(Dân trí) - Tiếng Việt mình "siêu" lắm. Chắc chắn 100% rằng trong tất cả các vụ hối lộ, người đưa không bao giờ nói thẳng rằng “tôi hối lộ ông” mà thường được trang điểm bằng những ngôn từ rất chi tình cảm như “cảm ơn”, “mừng”, “biếu”, “tặng”… Thậm chí, đến việc chia chác cũng được mang tên loài hoa tuyệt đẹp, là vua của các loài hoa: “Hoa hồng”.
Trả lời câu hỏi của báo chí, trong khi Thủ tướng đang quyết liệt kêu gọi xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động và yêu cầu các địa phương không tặng quà trong dịp Tết thì tại một số địa phương xuất hiện việc doanh nghiệp tặng xe sang cho chính quyền, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết Quyết định 64/2017 quy định rất rõ những trường hợp nào không được nhận và những hành vi nghiêm cấm nhận.
Cụ thể, việc chính quyền tỉnh Cà Mau đã nhận 2 xe hiệu Lexus, Văn phòng Tỉnh ủy Đà Nẵng nhận 1 xe, ông Mai Tiến Dũng nói: “Qua việc này, Thủ tướng có văn bản giao Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra làm rõ, nếu có vi phạm vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng. Đây là chỉ đạo rất có trách nhiệm của Thủ tướng. Sau khi có kết quả sẽ thông tin đến báo chí với tinh thần rất minh bạch, rõ ràng”.
Như vậy, việc các địa phương trên có được phép nhận hay không được phép nhận xe ô tô, hành vi đó có bị nghiêm cấm không sẽ có câu trả lời trong thời gian tới. Dù kết quả thế nào, đây là một tín hiệu đáng mừng bởi Chính phủ luôn lắng nghe dư luận và hành động ngay lập tức.
Hiện, cả hai địa phương đã có phản hồi về việc này.
Tại Cà Mau, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, việc công ty Công Lý tặng 2 xe ô tô hiệu Lexus (có giá hơn 6 tỷ đồng) là nhằm phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng…
Sau khi biện dẫn Nghị định số 29/2014/NĐ-CP, Thông tư 159/2014/TT-BTC, phía Cà Mau cho rằng việc nhận những chiếc xe này là đúng và khẳng định, thông tin Cà Mau cho công ty Công Lý ứng 25 tỉ đồng bù lại công ty này cho tỉnh 2 chiếc xe ô tô là không đúng.
Về Đà Nẵng, ông Đào Tấn Bằng, Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thông tin Bí thư Nguyễn Xuân Anh sử dụng xe công biển giả, giá trị vượt quy định là bịa đặt, “ không chỉ làm ảnh hưởng đến lãnh đạo địa phương, mà còn tác động đến hình ảnh thành phố và người dân Đà Nẵng”.
Về nguồn gốc chiếc xe mang BKS 43A-299.99, hiệu Toyota Avalon, đời 2016, đăng ký ngày 2/2/2016 tại Phòng PC67, Công an Đà Nẵng, ông Bằng cho biết là của một doanh nghiệp tặng. Theo hóa đơn do Thành ủy Đà Nẵng cung cấp, chiếc xe có tổng trị giá 1.300.734.844 đồng (giá trước bạ là 1.182.486.222 đồng).
Tuy nhiên, dư luận lại không đồng tình với những lời giải thích của cả hai địa phương.
Về Cà Mau, có hai câu hỏi được đặt ra. Thứ nhất, việc sử dụng những chiếc xe này để “kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng” (những việc được Quyết định 64/2017 cho phép nhận) liệu có hợp lý hay nói cách khác, đi chống thiên tai, lụt bão có cần đến loại xe sang trọng này không?
Câu hỏi thứ hai, có thật sự “vô tư” và “không liên quan” giữa việc tặng xe 6 tỉ đồng và việc cho ứng 25 tỉ đồng cho Công ty Công lý?
Đối với Đà Nẵng, dư luận đặt ra ba câu hỏi.
Một là việc nhận xe có được phép không? Hai, chiếc xe trên được mua với giá 1,3 tỉ đồng có đúng giá thị trường không (có ý kiến nói giá khoảng 2,5 tỉ đồng)? Và ba, sự trùng hợp số biển kiểm soát giữa chiếc xe này và một chiếc xe mang biển trắng có hợp lý không? Đó là chưa kể theo giới thạo xe, số đăng ký 43A- 29999 là số “đẹp”, rất có giá…
Có lẽ dư luận nghi ngờ không phải không có lý.
Nói doanh nghiệp tặng ư? Một đồng của doanh nghiệp là mồ hôi, nước mắt, 6 tỉ đồng to lắm, giá trị lắm. Mà sao họ không tặng xây trường học hay bắc cầu cho vùng sâu, vùng xa mà lại tặng cho các sếp lớn nhỉ?
Rồi có thể là họ tặng thật nhưng có được phép lấy hay không lại là chuyện khác. Bởi nếu nói được thì có lẽ không chỉ riêng Đà Nẵng không cần phải chi tiền cho xe công nữa vì trên khắp đất nước này, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiêp muốn "tặng", "biếu", “hiến”, “dâng”... cho các cơ quan công quyền và không chỉ có ô tô.
Về lý do tặng, dẫu không dám nghi ngờ lòng tốt nhưng cũng khó mà tin hoàn toàn vào sự vô tư, trong sáng. Vả lại, chả lẽ nhân dân các địa phương trên không trang bị được cho lãnh đạo của mình một chiếc xe đúng theo tiêu chuẩn qui định mà phải để cho doanh nghiệp... tặng?
Tiếng Việt mình "siêu" lắm. Chắc chắn 100% rằng trong tất cả các vụ hối lộ, người đưa không bao giờ nói thẳng rằng “tôi hối lộ ông” mà thường được trang điểm bằng những ngôn từ rất chi tình cảm như “cảm ơn”, “mừng”, “biếu”, “tặng”… Thậm chí, đến việc chia chác cũng được mang tên loài hoa tuyệt đẹp, là vua của các loài hoa: “Hoa hồng”.
Người phương Tây có câu, đại loại “Miếng fomat cho không chỉ có trong bẫy chuột”, phải không các bạn?