Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Tư nhân và báo chí

NGUYỄN VẠN PHÚ

TTCT - Trong khi các quan chức nhiều lần khẳng định không tư nhân hóa báo chí Việt Nam, dự thảo Luật báo chí sửa đổi đang được Quốc hội bàn lại mở ra những con đường “thênh thang” cho tư nhân làm báo. Phải hiểu sự mâu thuẫn này như thế nào? Sẽ có những hệ lụy gì cho làng báo Việt Nam trong những năm sắp tới?

Mở ra con đường liên kết

Sở dĩ nói Luật báo chí sửa đổi mở ra những cơ hội mới cho tư nhân tham gia làm báo là bởi dự thảo mới nhất có ghi: “Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật” (điều 45).

Như vậy cá nhân có thể liên kết với các tờ báo không những trong các lãnh vực như “thiết kế, trình bày, in báo, quảng cáo, phát hành”, họ còn được “sản xuất các sản phẩm báo chí in, báo chí điện tử thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo”. Đây là những điểm mới mà luật hiện hành không đề cập.

Thật ra trong thực tế, tư nhân đã tham gia làm báo từ lâu và những quy định mới trong dự thảo cũng nhằm hợp thức hóa tình trạng này. Hàng loạt chương trình, kênh truyền hình, nhất là trong lãnh vực giải trí hiện do tư nhân sản xuất.

Nhiều tờ báo nước ngoài được “nội địa hóa” là do các công ty tư nhân đứng ra mua bản quyền sử dụng măng-sét, nội dung để in ấn ở Việt Nam. Đứng tên có thể là một cơ quan báo chí nào đó nhưng thực hiện từ A-Z là do công ty tư nhân này làm. Nếu dự thảo Luật báo chí được thông qua, các hoạt động này sẽ được chính thức thừa nhận như Nhà nước từng thừa nhận tư nhân tham gia làm sách...

Có thể hình dung một nhóm các cá nhân cùng nhau thành lập một công ty rồi ký kết một thỏa thuận liên kết với một cơ quan báo chí nào đó để nhận về làm từ đầu đến cuối một tờ báo kinh tế. Việc liên kết này sẽ được công khai trên mặt báo như ngoài bìa sách hiện đã có thể ghi tên nhà xuất bản và cả tên công ty thực hiện cuốn sách.

Một khi luật nói hoạt động liên kết bao gồm cả việc sản xuất tờ báo in hay báo điện tử, điều đó có nghĩa các cá nhân này có thể tổ chức viết bài, đưa tin, biên tập bài, phỏng vấn... miễn sao các nội dung thực hiện nằm trong các lãnh vực được phép như khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí.

Đây là một bước tiến chắc chắn phải diễn ra vì đang mang danh báo chí nhà nước, với những tôn chỉ mục đích nghiêm cẩn, không lẽ cơ quan nhà nước vẫn làm những tờ báo giải trí thuần túy, chuyên nói về chuyện bếp núc hậu trường các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc? Trên thế giới cũng không thấy cơ quan nhà nước nào làm những tờ như Her World, Cosmopolitan, Elle...

Nhu cầu của độc giả rất phong phú; ngoài lãnh vực giải trí, còn các lãnh vực khác rất cần “xã hội hóa” theo hướng này như thông tin về khoa học, công nghệ, du lịch. Xã hội cũng cần các tổ chức tư nhân làm các dạng hồ sơ về kinh tế để bạn đọc có thể tra cứu thông tin, nhất là để phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán với quy mô ngày càng lớn như hiện nay.

Những vấn đề còn khúc mắc

Vì dự thảo Luật báo chí nói về việc liên kết còn sơ sài nên vẫn còn những câu hỏi cần được giải đáp.

Thứ nhất, sự khác biệt giữa “tư nhân hóa” báo chí và tư nhân tham gia làm báo có lẽ nằm ở chỗ quyền sở hữu. Sở hữu măng-sét báo vẫn sẽ là cơ quan báo chí nhà nước, tư nhân chỉ tham gia liên kết. Nhưng ở đây có hai vấn đề lớn.

Một là không tư nhân nào với tầm nhìn dài hạn, một ý hướng xây dựng lâu dài chịu liên kết theo kiểu này. Có thể nói ngay, liên kết kiểu này sẽ dẫn tới sự chụp giật, nhắm tới lợi ích ngắn hạn. Từ đó nỗ lực ngăn chận tình trạng “thương mại hóa” báo chí sẽ càng khó khăn khi không có gì bảo đảm các cá nhân liên kết không vì lợi nhuận mà dùng các chiêu trò câu khách rẻ tiền.

Rất nhiều tờ báo nghiêm túc phải trải qua nhiều năm chịu lỗ để xây dựng tên tuổi, uy tín và một khi chưa có sự bảo đảm đó, khó lòng thu hút các cá nhân muốn liên kết lâu dài bỏ vốn ra để xây dựng cái không phải là của mình.

Ở hướng ngược lại, cũng khó lòng kiểm soát để cơ quan báo chí đứng tên duy trì được các chuẩn mực nhất định một khi liên kết với bên ngoài để thực hiện sản phẩm báo chí. Các sai sót trong các chương trình truyền hình liên kết chứng tỏ điều đó.

Hai là, mặc dù các lãnh vực được phép liên kết đã được liệt kê rõ nhưng bất kỳ hoạt động kinh tế - xã hội nào cũng có sự chồng lấn. Tường thuật một phiên họp của Quốc hội về việc sửa đổi luật thuế có thể coi là hoạt động chính trị - xã hội cũng được hay hoạt động kinh tế cũng ổn; đưa tin về một giải thi đấu thể thao rõ ràng là chuyện thể thao nhưng làm phóng sự về các đường dây cá độ bóng đá thì sao?

Cho nên đừng nghĩ việc liên kết chưa được cho phép trong các lãnh vực “nhạy cảm” như chính trị - xã hội để tự yên tâm, nhà làm luật phải lường hết mọi khả năng để thấy trong thời đại thông tin tràn ngập như hiện nay, việc phân lãnh vực “được phép liên kết”, lãnh vực “không được phép liên kết” là không khả thi.

Tờ Business Insider, một tờ báo điện tử chỉ mới ra đời có 8 năm, vừa mới được định giá đến 442 triệu đôla Mỹ, trong khi trước đó tờ Washington Post ra đời nay đã được 138 năm được bán chỉ với giá 250 triệu đôla.

Cái làm nên giá trị của tờ báo chính là số lượng độc giả của tờ báo chứ tài sản cố định hầu như không đáng kể. Việc liên kết là tạo ra giá trị tăng thêm cho tờ báo thông qua việc xây dựng lực lượng độc giả cho báo.

Đây là một quá trình không đơn giản nên nhiệm vụ đặt ra cho các đại biểu Quốc hội khi thảo luận và thông qua Luật báo chí là không dễ dàng chút nào.

Mời bà con xem thêm bài này >>> Luật báo chí, nhà báo và người dân