Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

"Cuối cùng ông Trump đã thực sự là Tổng thống"

Tiến sỹ Terry F. Buss

VNN - Tổng thống Donald Trump vừa có bài phát biểu tuyệt vời nhất kể từ khi bước chân vào chính trường. Các cơ quan truyền thông chính thống vốn luôn công kích ông không thương tiếc từ đầu chiến dịch tranh cử đến giờ cũng phải bất đắc dĩ thừa nhận thành công của bài diễn văn. 

Van Jones, nhân vật lớn tiếng của phe đối lập và nhà bình luận cho CNN đã phải thốt lên, cuối cùng ông Trump đã thực sự trở thành Tổng thống.

Khảo sát nhanh với khán giả của CNN, hầu hết là người ủng hộ đảng Dân chủ đã cho kết quả rất tích cực về tân Tổng thống. Khoảng 76% người được hỏi ủng hộ bài phát biểu và 69% cảm thấy nước Mỹ đang đi đúng hướng. Trước đó, tỷ lệ ủng hộ ông Trump đạt mức thấp kỷ lục 40%.

Mới tháng trước, bài phát biểu nhậm chức của ông Trump vẫn mang đậm phong cách hiếu chiến, tiêu cực và đối đầu thường thấy. Hậu quả là sự đón nhận lạnh nhạt của người dân. Bài phát biểu lần này đã cho thấy rõ thái độ cầu thị của tổng thống: văn phong chừng mực, phong thái ngoại giao, và nói một cách ngắn gọn: đúng phong cách tổng thống.

Bài phát biểu đã tóm tắt lại toàn bộ chương trình kế hoạch được ông theo đuổi từ khi ra tranh cử. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng thoả hiệp về các vấn đề nhập cư, thay đổi quan điểm để ủng hộ NATO và nêu rõ lập trường về chế độ bảo hiểm y tế quốc gia. Tổng thống cũng kêu gọi người dân Mỹ hãy gạt bỏ những khác biệt không đáng để tâm sang một bên và tăng cường đoàn kết.

Liệu lời kêu gọi hợp tác và hoà giải với các bên đối lập tại Quốc hội có giúp kế hoạch đầy tranh cãi của Tổng thống được thực hiện không? Hay liệu các đối thủ của Tổng thống có tiếp tục kháng cự không và liệu ông có xử lý theo cách dễ chịu không?

Chúng ta đừng để mình sập bẫy mà tin rằng sự chống đối ông Trump chỉ đơn thuần là xung đột giữa hai phe dân chủ và cộng hoà. Những đối thủ này rất nhiều, không nhượng bộ, thù hằn và đầy thế lực.

Sự chống đối của phe Dân chủ

Những nghị sỹ dân chủ tại quốc hội có mặt trong buổi lễ hôm qua đều mang theo mình một khuôn mặt thờ ơ không cảm xúc, không  một ai vỗ tay hưởng ứng. Trái với thông lệ, những người này không đứng lên khi Tổng thống Trump bước vào phòng họp. Các nhà bình luận, cả cánh hữu và cánh tả, đều đã khuyến cáo rằng những nhóm ủng hộ phe dân chủ có tổ chức và được tài trợ đã loan tải thông điệp rằng bất kỳ thành viên nào của phe dân chủ có hành động ủng hộ bài phát biểu của ông Trump sẽ đều phải chịu hậu quả là biểu tình, tẩy chay và còn tệ hại hơn thế nữa.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, ông Chuck Summer đã phải đối mặt với những đám biểu tình ngay ngoài nơi ở của mình ở New York do các nhóm ủng hộ phe Dân chủ cho rằng ông chưa nỗ lực hết sức để ngáng trở việc bổ nhiệm nội các của ông Trump. Từ sau đó, các nghị sỹ dân chủ tại Thượng viện đã trì hoãn việc bổ nhiệm các vị trí cấp cao trong chính quyền ông Trump thành công chưa từng có. Thậm chí việc bổ nhiệm các vị trí ở cấp thấp hơn cũng chưa thực hiện được. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis cũng chỉ vừa mới bắt đầu sắp đặt bộ máy của mình.

Điều này có nghĩa là Bộ quốc phòng và các bộ khác đang bị chi phối nặng nề bởi những nhân vật cấp cao do ông Obama bổ nhiệm cho đến khi ông Trump có thể thay thế họ. Nếu những người này đều bị thế truất thì toàn bộ các vị trí cấp cao đang điều hành chính phủ sẽ bị bỏ trống. Việc rò rỉ thông tin nội bộ thường xuyên cho truyền thông tại khắp các cơ quan chính phủ được cho là bắt nguồn từ những nhân vật này.

Các thành viên dân chủ tại Quốc hội kêu gọi FBI điều tra  Tổng thống Trump. Họ yêu cầu tổ chức các phiên điều trần mở về tất cả các hoạt động của Tổng thống. Khi tiến hành thì phe dân chủ lại tẩy chay một số phiên điều trần khiến không có đủ số đại biểu quy định để đưa ra kết luận. Những người này cũng yêu cầu các công tố viên xem xét khả năng luận tội Tổng thống. Tất cả những động thái này sẽ khiến Tổng thống Trump và bộ máy chính quyền của ông không thể toàn tâm toàn ý thực hiện kế hoạch của mình và nếu phe đối lập may mắn thì Tổng thống có thể bị luận tội và phế truất.

Phe Dân chủ hiện giữ vai trò chủ đạo trong nỗ lực ngăn cản Tổng thống– được biết đến với tên gọi “Phe kháng cự”. Tất cả các phe nhóm dân chủ đại diện cho phụ nữ, người da màu, người Mỹ La tinh, những người ủng hộ môi trường, những người theo chủ trương toàn cầu, những người theo chủ nghĩa quốc tế, những người ủng hộ nhập cư, v..v.. đã liên tục biểu tình chống đối từ khi ông Trump lên làm Tổng thống. Đứng sau các cuộc biểu tình này thường là các nhóm vô chính phủ - “Liên minh chống Phát xít” (Anti-Fascist Coalition) và “Khối da màu” (Black Bloc) – và tất cả đều đậm màu bạo lực.

Tổng thống Trump đã chỉ mặt điểm tên một số nhóm này và kêu gọi người dân Mỹ ủng hộ cảnh sát thay vì cản trở hoạt động của họ. Đó cũng chính là thách thức thẳng thừng của ông với nhóm “Black Lives Matter”. Ông Trump muốn gửi đi thông điệp rằng ông sẽ không bao giờ để bị đe doạ. Chúng ta sẽ được chứng kiến xem ông có là người chiến thắng trong cuộc đấu này không.

Một số phe nhóm dân chủ đang hoạt động rất tích cực trong nỗ lực chống đối. Có nhóm đại diện cho những người bằng mọi giá không ủng hộ Tổng thống mới bất kể ông có làm gì đi nữa – đó là nhóm “Ông Trump không phải Tổng thống của tôi”. Nữ nghị sỹ Maxine Waters, thành viên của Nhóm nghị sỹ da màu (Congressional Black Caucus) và cũng là một trong những nhân vật đối đầu lớn tiếng nhất đã từ chối gặp Tổng thống và kêu gọi gọi luận tội Tổng thống đắc cử chỉ vài ngày sau khi có kết quả bầu cử. Đây là nhóm đại diện cho những nhân vật cực đoan và/hoặc những người e ngại việc hợp tác với Tổng thống Trump sẽ khiến họ mất cơ hội chiến thắng trong kỳ bầu cử tương lai. Những thành viên dân chủ khác thì sẵn sàng hợp tác khi họ có lợi tuy nhiên số này không nhiều.

Tiếp nữa là sự chia rẽ giữa những thành viên dân chủ chính thống thủ cựu với phe cánh cấp tiến của đảng dân chủ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Bernie Sanders đã chạy đua với bà Hillary Clinton. Ông Sanders cuối cùng đã giành được sự ủng hộ rộng rãi và ép được bà Clinton nghiêng theo các chính sách của ông. Chính vì lẽ đó, việc thoả hiệp giữa phe dân chủ và phe cộng hoà trước đây đã từng thực hiện được thì bây giờ là vô vọng. Thành viên của cả hai đảng tại Quốc hội đều nhất định chỉ bỏ phiếu cho đảng của mình.

Đảng dân chủ đã chuẩn bị sẵn các ứng viên tranh cử Tổng thống trong cuộc đua năm 2020 với ông Trump! Những nhân vật này không ngừng nỗ lực để tách xa mình khỏi các chính sách của ông Trump và công khai quan điểm đối lập trong các cuộc tranh luận chính sách của Tổng thống tại Quốc hội. Thành viên của phe đối lập, bà Elizabeth Warren đã vi phạm nguyên tắc của Thượng viện khi phê phán các thành viên khác với mục đích không phải để đóng góp vào tranh luận chung mà đơn thuần để quảng bá cho cuốn sách mới của bà này.

Ngoài việc sẽ chạy đua với ông Trump trong kỳ bầu cử năm 2020, phe Dân chủ sẽ phải bảo vệ những vị trí hiện thời tại Hạ viện và Thượng viện. Vì vậy, một số thành viên tại các căn cứ của phe dân chủ sẽ phải giữ khoảng cách với ông Trump. Các thành viên Cộng hoà thì đang tìm cách gia tăng đa số tại Thượng viện để tránh việc phe thiểu số dân chủ ngáng trở phê chuẩn luật.

Sự chống đối của phe Cộng hoà

Đảng Cộng hoà không đạt được sự thống nhất với ông Trump cũng như các chính sách của ông. Bằng nhiều cách, một số thành viên cộng hoà – nhóm “Những người không bao giờ ủng hộ ông Trump” (Never Trumpers) – chống đối Tổng thống Trump không kém gì phe dân chủ.

Phe Cộng hoà đang bị chia rẽ thành các nhóm kín có sức ảnh hưởng lớn bởi các nhóm này có thể ngăn phe đa số của Đảng cộng hoà thông qua luật, đặc biệt tại Hạ viện. Đây là một số nhóm bảo thủ đại diện cho những nhân vật bảo thủ về tài chính, xã hội và những người theo chủ nghĩa tự do -  tổng số khoảng 45-50 người. Các phe Tiệc Trà và Tự do cũng thuộc nhóm này. Đây chính là những nhóm đã buộc chính quyền liên bang đóng cửa năm 2013 bởi phe cộng hoà không chấp nhận giảm nợ công và tăng thâm hụt ngân sách quốc gia hàng năm.

Phe bảo thủ giữ vai trò quan trọng đối với chương trình kế hoạch của Tổng thống Trump bởi vì mặc dù là một thành viên đảng Cộng hoà nhưng ông Trump không phải là người theo tư tưởng bảo thủ. Chương trình mà ông Trump nói đến trong bài phát biểu trước Quốc hội bao gồm nhiều chính sách được lòng phe dân chủ : chương trình cải thiện cơ sở hạ tầng trị giá 500 tỷ đô là một ví dụ. Tuy nhiên phe bảo thủ có thể sẽ không đồng ý làm phình thêm khoản nợ quốc gia. Ông Trump đã rút nước Mỹ khỏi Hiệp định đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia châu Á-TBD – đây chính sách không được lòng các thành viên cộng hoà nhưng lại là một “trụ cột” quan trọng trong cương lĩnh của đảng Dân chủ.

Một ví dụ khác: Ông Trump đề xuất tăng ngân sách quốc phòng lên 54 tỷ đô tương đương 10% để khôi phục lại việc cắt giảm của Tổng thống Obama trước đó. Tuy nhiên, việc này sẽ chỉ được thực hiện nếu những thành viên bảo thủ tại Quốc hội đồng ý tăng trần nợ công. Khả năng này khó xảy ra.

Ở bất kỳ vấn đề nào, ông Trump cũng đều có thể trông cậy vào phe đối lập chứ  không phải các thành viên cộng hoà có thế lực. Bài phát biểu của Tổng thống đã kêu gọi mở ra một con đường cho những người nhập cư trái phép có cơ hội trở thành công dân Mỹ. Một số nghị sỹ tại thượng viên, John Mccain và Lindsey Graham ủng hộ chủ trương này, tuy nhiên số đông thành viên cộng hoà còn lại coi động thái này là một hình thức ân xá. Chính vì vậy mà bất kỳ phe nào cũng có thể trở thành cây gậy thọc ngang bánh xe.

Những nghị sỹ thượng viện khác như Marc Rubio, đối thủ chạy đua với ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm ngoái đang có kế hoạch tranh cử tiếp vào năm 2020. Ông Rubio đã đe doạ sẽ ghìm chân những nhân vật được Tổng thống Trump bổ nhiệm chỉ để chứng minh rằng ông có thể đấu lại với ông Trump và có khả năng trở thành ứng viên Tổng thống. Vì vậy, tân Tổng thống đang phải đối mặt với sự chống đối ở cả phe dân chủ và cộng hoà.

Viễn cảnh tương lai

Giành được chiếc ghế tổng thống và nắm trong tay lưỡng viện quốc hội không có nghĩa là ông Trump có thể thực hiện kế hoạch đầy tranh cãi của mình mà không vấp phải chướng ngại vật. Nhiều phe phái kịch liệt chống ông sẽ tìm mọi cách phá hoại hoặc làm đình trệ kế hoạch này.

Một số người cho rằng ông Trump có thể làm giống như người tiền nhiệm Obama là đơn thuần qua mặt Quốc hội bằng các Sắc lệnh hành pháp, chỉ thị và hướng dẫn mà không cần có sự phê chuẩn của Quốc hội. Tuy nhiên, việc đó là không thể. Các chánh án toà liên bang được ông Obama bổ nhiệm đã vung cây trượng quyền lực của mình. Sắc lệnh cấm nhập cư tạm thời đối với công dân 7 nước nuôi dưỡng khủng bố của ông Trump đã bị toà liên bang tuyên không hợp hiến.

Thêm vào đó, khối các cơ quan công quyền với chủ yếu là những viên chức thuần dân chủ đang tổ chức ngăn cản việc thực hiện chương trình của ông Trump. Họ đang tiếp tục rò rỉ thông tin về Tổng thống ra bên ngoài. Họ đã phát triển những ứng dụng trên điện thoại thông minh để mã hoá các thông tin liên lạc chống việc bị chính quyền phát hiện.

Chính phủ Mỹ vẫn đang loay hoay trong bế tắc. Thời gian sắp tới sẽ còn vô vàn khó khăn đang đón chờ.