TTO - Ngày 23-2, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký báo cáo khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xung quanh vụ doanh nghiệp tặng 2 xe Lexus cho tỉnh này.
Theo đó, báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ việc nhận hai xe Lexus do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt công ty Công Lý) là rất rõ ràng, cụ thể, không vì vụ lợi cá nhân và đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của nhà nước tại Nghị định số 29/2014NĐ-CP ngày 10-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ.
'Không vì tặng xe mà ưu ái quá mức'
Trước đó, ngày 23-3-2016, công ty Công Lý có công văn đề nghị tặng hai chiếc xe trên cho tỉnh Cà Mau. Sau đó tỉnh đã làm thủ tục tiếp nhận.
Đến ngày 29-3-2016, lãnh đạo tỉnh đã ký hai quyết định 529 và 530, giao hai xe trên cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau quản lý, sử dụng.
Theo giải thích của người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau tại văn bản gửi Thủ tướng, thời điểm công ty Công Lý tặng xe, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân, môi trường…
Trong khi đó, Chính phủ không có chủ trương mua xe công, tỉnh Cà Mau lại thiếu rất nhiều xe.
“Công ty Công Lý khi tặng xe nêu rõ mục đích tặng xe cho tỉnh để phục vụ vào công việc như đi kiểm tra chỉ đạo đê, kè, khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài, phòng chống lụt bão, phòng chóng cháy rừng… không tặng riêng cho người nào” - nội dung báo cáo viết.
Trao đổi thêm với phóng viên Tuổi Trẻ vào chiều cùng ngày, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh này nhận 2 xe Lexus GX460 do công ty Công Lý tặng là đúng quy định pháp luật.
Ông Hải nói, cũng không vì doanh nghiệp Công Lý tặng xe mà lãnh đạo tỉnh Cà Mau ưu ái quá mức quy định cho doanh nghiệp này.
Ông Hải cho biết thêm tỉnh vẫn sẽ giữ quyền sở hữu Nhà nước với hai xe được tặng và vẫn giữ mục đích sử dụng như xác định ban đầu. “Chúng tôi không làm sai nên không có chuyện vì sức ép dư luận mà trả lại xe, hay thay đổi mục đích sử dụng”, ông Hải nói.
Trả lời quanh việc có hay không việc ưu ái cho doanh nghiệp tặng xe khi cho doanh nghiệp này tạm ứng 25 tỉ đồng để bảo trì Nhà máy xử lý rác, ông Hải cho rằng chuyện tặng xe và chuyện cho tạm ứng 25 tỉ "không liên quan”.
“Doanh nghiệp tặng xe là tháng 3-2016. Còn tỉnh cho doanh nghiệp này tạm ứng là cuối năm 2016. Hai chuyện này hoàn toàn khác nhau”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng khẳng định, mình chỉ đạo cho công ty Công Lý tạm ứng 25 tỉ đồng để bảo trì nhà máy xử lý rác là “đúng quy định của pháp luật”.
Chúng tôi nêu vấn đề cũng trong ngày 23-2, một tờ báo đã đăng thông tin về việc ông Đoàn Quốc Khởi, giám đốc Sở Tài chính Cà Mau thừa nhận việc tỉnh cho công ty Công Lý tạm ứng 25 tỉ tiền ngân sách là sai.
Ông Hải cho biết sau khi có thông tin trên, ông đã gọi ông Đoàn Quốc Khởi để nghe báo cáo vụ việc và ông Khởi đã phủ nhận nội dung phát ngôn với báo chí.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Đoàn Quốc Khởi vẫn khẳng định việc ông tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh cho công ty Công Lý tạm ứng là đúng. Ông Khởi còn cung cấp cho phóng viên một văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan Trung ương và cơ quan liên quan mà ông vừa ký trong ngày 23 - 2.
Tại công văn này, ông Khởi cho rằng việc cho doanh nghiệp tạm ứng là “thực hiện theo tình hình thực tế tại địa phương, khả năng cân đối ngân sách”. Đồng thời, ông cũng thừa nhận “việc cho tạm ứng trước nguồn kinh phí này chưa có quy định cụ thể tại văn bản nào nhưng pháp luật cũng không cấm việc này. Ngoài ra, việc điều hành ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh”.
'Tặng xe không phải để lấy lòng lãnh đạo'
Trong khi đó, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc công ty Công Lý (có trụ sở tại Cà Mau) cho biết, ông tặng xe không phải để lấy lòng lãnh đạo.
“Thiệt tình mà nói, nếu muốn lấy lòng lãnh đạo, tôi mang tiền đến đưa trực tiếp còn uy tín hơn, chứ đâu có chuyện tặng xe để bị nói ra nói vào…”, ông Tô Hoài Dân, người tặng cặp xe Lexus cho cơ quan Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau nói.
Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi nếu doanh nghiệp “dư” tiền để mua xe tặng thì tại sao không dùng số tiền đó để bảo trì Nhà máy xử lý rác, để thiếu tiền phải xin tạm ứng ngân sách?
Ông Dân giải thích: “Làm ăn có lúc có nhiều tiền, có lúc thiếu tiền. Trong mỗi thời điểm không thể nói trước được. Với lại chúng tôi đang đầu tư 4 dự án khác nhau, hạch toán lời lỗ khác nhau. Tiền mua xe không phải là tiền từ dự án Nhà máy rác thì không thể nói chúng tôi có tiền nhưng không bảo trì Nhà máy rác mà lại mua xe tặng cơ quan nhà nước…”.
Phủ nhận thông tin doanh nghiệp mình được ưu ái cho tạm ứng 25 tỉ sau khi tặng cho tỉnh 2 xe trên 6 tỉ, ông Dân cho biết: “Chuyện tạm ứng tiền để bảo trì nhà máy rác đâu phải lần đầu. Năm 2012, tôi chưa tặng xe cộ gì cho tỉnh cả, nhưng vẫn được giải quyết cho tạm ứng 20 tỉ để bảo trì nhà máy xử lý rác. Mỗi tháng tôi trả 50% doanh thu, 50% để làm quỹ hoạt động. Đến nay tôi đã trả hết.
Giờ nhà máy bị hư hỏng thì chúng tôi lại xin tạm ứng để sửa chữa, rồi sẽ trả dần hàng tháng như trước. Đến giờ tôi cũng hoàn tạm ứng trên 3 tỉ rồi”.
Ông Dân cho rằng việc mình tặng xe không có gì sai, vì trước khi tặng, ông đã có tham khảo với doanh nghiệp tặng xe ở Đà Nẵng.