Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Báo chí bẩn là bát cơm thuốc độc

Hàn Thiên


CH - Mới đây,  độc giả cũng như cư dân mạng đang bất bình trước vụ giả mạo dàn siêu xe biển xanh ở Cần Thơ. Được biết, vụ việc bắt đầu từ một loạt hình ảnh về “dàn siêu xa mô hình gắn biển xanh mang “biển kiểm soát” của TP Cần Thơ như 65-000.09, 65A-001.13,…được một facebooker Nguyễn Thành Đại chia sẻ trên diễn đàn Otofun đăng tải với dòng chữ: “Sắp có biến lớn rồi”. Chỉ ít lâu sau đó, những bức ảnh trên thu hút được sự chú ý lớn của cộng đồng mạng và đã có một phóng viên với bút danh “Cửu Long” của một tờ báo online danh tiếng “vnexpress” biến thông tin này thành một bài báo. Ngay sau đó phóng viên và tờ báo đăng tải đã bị cộng đồng mạng chỉ trích vì đó thực chất là hình ảnh loạt xe mô hình bằng nhựa. Điều đáng nói ở đây là phóng viên này vội vàng bỏ qua quy trình và nghiệp vụ báo chí, đưa tin theo nhận định chủ quan không chính xác, làm sai lệch câu chuyện.

Bên cạnh đó, vụ việc trên đã cho thấy một thực trạng nhức nhối về việc các trang báo mạng giật tít câu like, câu view, đăng tải thông tin trong khi chưa kiểm chứng. Bởi sự việc trên không phải là trường hợp chưa từng có tiền lệ. Trước đó tờ Báo “Dân Việt” đã có bài viết “Hốt hoảng bst đồng hồ của BTV Ngọc Trinh” của phóng viên Huy Bình. Phóng viên này tìm ảnh trên facebook và instagram rồi viết sai sự thật trong khi chưa phỏng vấn và được sự đồng ý của nhân vật. Trước đó cũng có vụ việc dậy sóng dư luận vì tờ báo Người Lao Động online tố V24 dàn dựng vụ phá rừng. Tờ báo này cho rằng phóng viên V24 đã, thuê người dân địa phương dựng thành phóng sự trên. Cuối cùng công an Đắk Lắk đã khẳng định phóng sự là hoàn toàn đúng sự thật và V24 phải phát clip ghi cảnh hậu trường thì dư luận mới ngã ngũ. V24 cũng từng phải gửi đơn khiếu nại bác lời tố cáo dàn dựng phóng sự pate, xúc xích bẩn.

Vài ba năm trở lại đây, dưới áp lực kinh tế, nhiều tờ báo bằng những hợp đồng quảng cáo, hợp đồng hỗ trợ thông tin đã biến mình thành cơ quan ngôn luận của các doanh nghiệp lắm tiền thiếu đạo đức. Điển hình gần đây ở một số tờ báo đã trở thành sân sau cho Masan khi dở trò kịch bản truyền thông bất lương nhằm vùi dập ngành nước mắm truyền thống và quảng cáo cho nước mắm công nghiệp. Ở một cơ quan báo chí mà không có sự công bằng, minh bạch, thì chẳng hi vọng gì vào việc họ đấu tranh cho công bằng xã hội. Đó là những con người đang dùng ngòi bút có độc của mình để huỷ hoại đất nước từng ngày.

Đằng sau những vụ việc trên là dấu hỏi của dư luận rằng trước khi đăng bài ban biên tập đã làm gì? Chẳng lẽ cả dàn biên tập viên- người chịu trách nhiệm về tin tức tổ chức việc thực hiện giám sát, thẩm định, hướng dẫn, hỗ trợ cho phóng viên,  quyết định bài báo được trình bày như thế nào và hình thức viết bài lại không thể kiểm chứng chính xác thông tin? Hay ở đây họ cũng “mắt nhắm mắt mở” kiểm định rồi cho đăng lên mặt báo? Nếu không có sự gật đầu của Ban Biên tập thì không thể lên trang được.  Tiền thuế của nhân dân là để phục vụ những con người này hay sao? Chỉ một thông tin sai lệch cũng đủ để ảnh hưởng đến danh dự của người khác, cũng đủ để gây nhiễu loạn dư luận. Có hay không ở đây sự cố tình xuyên tạc theo đơn đặt hàng, bới móc làm nhục danh dự hay uy tín của đối thủ?


Báo chí không nên và không được phép đánh mất chính mình, điên cuồng chạy theo cơn khát view, rồi viết những thứ vặt vãnh, lạm bàn phục vụ sở thích tầm thường của một bộ phận độc giả. Ở thời đại công nghệ bùng nổ này, nhiều người mượn truyền thông như một công cụ, thông tin sai sự thật. Cuối cùng là để trục lợi, trả thù. Như thế là trái với đạo đức nghề nghiệp bởi nhà báo là thư kí của thời đại, có trách nhiệm trung thành với sự thật. Thật ra tôi cho rằng những thứ này chỉ biểu đạt một nội dung là mất phương hướng. Như vậy, báo chí hoàn toàn đánh mất giá trị. Cá nhân tôi đồng ý với một ý kiến của facebooker “một tờ báo có đẳng cấp là chính họ tạo ra xu hướng, hướng độc giả quan tâm đến những vấn đề thực trạng đời sống đất nước.”

Nói đi cũng phải nói lại, không có lửa làm sao có khói, không có nhu cầu của độc giả làm sao có những tin lá cải kia. Lỗi một phần là do thị hiếu không lành mạnh của một số độc giả đặc biệt là giới trẻ quan tâm tới những vấn đề giật tít, gây sốc. Sự dễ dãi trong thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả chính là miền đất hứa cho tư duy lá cải, cho các nhà báo “dễ dãi” cày xới và gặt được nhiều bội thu. Một bộ phận bạn đọc lại phớt lờ các chính sách kinh tế, vấn đề sát sườn ảnh hưởng đến tương lai của đất nước và chính bản thân. Báo chí tiếp tay, dung túng  cho sự quam tâm như “Hoàng Kiều mất Trinh ở tuổi 72” hay “nghi vấn sao A ngoại tình với sao B” thì đất nước này sẽ đi về đâu?

Là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn của nhân dân, báo chí phải có trách nhiệm với thông tin mình đưa ra bởi nếu không họ sẽ như những bát cơm có trộn lẫn thuốc độc giết chết doanh nghiệp và công lý. Nghề báo – chỉ nên được tôn vinh, khi các nhà báo ý thức được sứ mệnh của mình và tranh đấu cho quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận của toàn xã hội.