TTO - Bên cạnh việc công bố danh sách các quán ăn, địa điểm kinh doanh thực phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, Đà Nẵng còn hướng đến mục tiêu quản lý xuất xứ an toàn của các loại nguyên liệu thực phẩm tại các chợ đầu mối.
Chiều 30-11, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức họp báo về Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đến năm 2016. Đây là một trong “4 an” mà Đà Nẵng hướng tới để xây dựng môi trường thành phố lành mạnh, an toàn.
Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng chính thức phê duyệt Đề án Quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng đến năm 2020 với tổng kinh phí 186 tỷ đồng. Đề án nhằm “khởi động” hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trong chuỗi hành trình từ nguồn gốc cung ứng, quá trình tiêu thụ, qua đó phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Đề án có các mục tiêu cụ thể, gồm: 100% các đơn vị nuôi, trồng, đánh bắt phải chứng nhận được nguồn gốc xuất xứ và sự an toàn của thực phẩm; kiểm soát quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa; hình thành các điểm sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm…
Đồng thời, đề án cũng chú trọng đến nâng cao nhận thức của các cấp ngành, cơ sở sản xuất và cộng đồng trong việc cùng chung tay chống thực phẩm “bẩn”, bảo vệ sự an toàn của chính mình và gia đình.
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng xác định sẽ xây dựng được vùng nguyên liệu thực phẩm an toàn; phát triển vùng trồng rau an toàn với quy mô trên 200 ha áp dụng mô hình VietGAP; quy hoạch giết, mổ gia súc, gia cầm tập trung…
Vào ngày 1-1-2017, Đà Nẵng sẽ triển khai tổng kê khai nguồn gốc, xuất xứ các thực phẩm, nguyên liệu vào chợ đầu mối của thành phố. Việc kê khai sẽ giúp các ngành chức năng truy xuất được nguồn gốc thực phẩm không an toàn. Qua đó, bảo đảm sự an toàn trong quá trình luân chuyển giữa các chợ, đến tay người tiêu dùng.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ