Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Hãy ”lùi một bước, thoát được tai ương”

TÚ NGUYÊN

LĐO - Đại lễ cầu siêu cho những ngưởi tử nạn vì tai nạn giao thông được tổ chức tại nhiều địa phương không ngoài mục đích nhắc nhở cộng đồng ý thức về tai nạn giao thông; qua đó cộng đồng bày tỏ niềm thương cảm đối với các nạn nhân không may tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) cũng như chia sẻ, xoa dịu phần nào sự mất mát của người thân. Đây là nét sinh hoạt văn hóa diễn ra hằng năm vào dịp lễ phát động Tháng ATGT mang nhiều ý nghĩa.

Ý nghĩa nhân văn cho Đại lễ cầu siêu là mỗi cá nhân hãy vỉ chính mạng sống bản thân mình, vì sự an bình của người thân vì tương lại con cháu và các tổ chức, doanh nghiệp, tôn giáo vì một xã hội văn minh hiện đại an toàn mà ra sức cùng nhà nước chung tay bảo đảm trật tự  ATGT bằng mọi hành động có thể. Xã hội hãy vì niềm thương cảm những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống; khi tưởng nhớ người đi tức là mình đã vì mình vì người còn ở lại.

Ngoài ra về mặt quản lý nhà nước, đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì TNGT còn có ý nghĩa thiết thực, nâng cao ý thức cá nhân tham gia giao thông nhằm góp phần kéo giảm TNGT.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông năm 2015 cả nước xảy ra 22.827 vụ, làm tử vong  8.727 người, bị thương 21.069 người. So với năm 2014, giảm 2.842 vụ (- 11%), giảm 364 người chết (- 4%), giảm 3.794 người bị thương (- 15,26%).

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia trong 10 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra 17.000 vụ tai nạn giao thông làm 7.100 người thiệt mạng, hơn 15.000 người bị thương. Bình quân mỗi ngày có 24 người chết và 60 người bị thương, đáng chú ý là trong đó có tới 2.000 trẻ em chết trong mỗi năm. Chỉ còn hơn tháng nữa là hết năm 2016, tuy nhiên khi đề cập đến mục tiêu giảm 5% tai nạn giao thông được Chính phủ đặt ra, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban chuyên trách ATGTQG  cho biết, trong 9 tháng vừa qua, số vụ TNGT giảm 7%, số người chết giảm khoảng 10%....

Mỗi năm có hàng ngàn người tử vong, hàng vạn người bị thương vì TNGT, ngoài những đau thương mất mát người thân, những di chứng do thương tật luôn kéo dài và hậu quả như thế nào là không thể lường trước được. Đó là gánh nặng cho cá nhân, gia đình và là tổn thất của xã hội khi phải chi hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục.

Là người tham gia giao thông tôi luôn tâm niệm, “ thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn” , “ Lùi một bước thoát được tai ương” hay “ Tưởng nhớ người ra đi, vì người ở lại”, những thông điệp mang nhiều ý nghĩa đã được phát đi từ những đại lễ cầu siêu những năm trước đây đến nay vẫn còn nguyên giá trị.