Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Sài Gòn nói không với nhậu trưa

Quỳnh Thư

(TBKTSG) - Người nước ngoài làm ăn ở Việt Nam đều biết người Việt không những nổi danh vì nhậu nhiều mà còn vì có thể nhậu bất cứ lúc nào. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo, một doanh nhân ngoại quốc kể về kinh nghiệm làm ăn tại Việt Nam. Ông nhớ lần đầu tiên có mặt tại lễ động thổ một dự án của một đối tác người Việt, ông đã ngạc nhiên như thế nào - thậm chí bối rối - trước lời mời dự buổi tiệc mặn có kèm bia rượu sau phần lễ nghi. Lúc ấy chỉ hơn 10 giờ sáng! Ban đầu ông không thể hiểu được vì sao người Việt lại “nhậu” sớm đến thế. Nhưng dần dà, ông nói mình đã quen dần với thông lệ này. “Nhập gia tùy tục mà”, ông cười xuề xòa.

Không biết có bao nhiêu phần trăm thật lòng và bao nhiêu phần trăm xã giao đằng sau câu “nhập gia tùy tục” của doanh nhân nước ngoài này. Nhưng có một sự thật là cuối tháng rồi TPHCM đã ban hành chỉ thị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chánh các cấp của thành phố, theo đó nghiêm cấm việc dùng rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa trong ngày làm việc, ngày trực.

(Đàn ông) Việt Nam hay nhậu. Công chức là người Việt. Vậy công chức cũng hay nhậu. Công chức Việt không nhậu sẽ phản đối, cho rằng “tam đoạn luận” này không đúng. Nhưng chuyện một số công chức uống rượu, bia trong ngày làm việc là có thật. Mấy năm trước, có người còn “tổng kết” thói quen nhậu của người của người Sài Gòn và Hà Nội (trong đó có công chức) như sau: “Sài Gòn nhậu tối, Hà Nội nhậu trưa”.

Cũng không biết mấy năm nay công chức ở TPHCM có “kéo giãn” thói quen nhậu trong ngày làm việc của mình từ tối lên đến trưa hay không, có điều, chống thói quen nhậu trong ngày làm việc của công chức - dù là tối hay trưa - là chuyện phải làm.

Thứ Sáu tuần rồi, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã tán đồng quy định cấm cán bộ, công chức thành phố sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực.

Trong cuộc họp sơ kết tình hình kinh tế xã hội của TPHCM 10 tháng đầu 2016, ông Phong cho rằng dù nhiều người nói nghỉ trưa là quyền của mỗi người nên có thể uống rượu bia mà không vi phạm quy chế làm việc, nhưng uống rượu bia vào sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc của buổi chiều. Trong việc tiếp khách, khi cần phải mời tiệc, ông Phong cũng nói nên bố trí tiệc rượu vào buổi chiều sau giờ làm việc, thay vì buổi trưa.

Có thể khẳng định, chấm dứt tình trạng rượu bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa là một nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức của TPHCM. Cấm cửa rượu bia trong thời gian nói trên chắc chắn sẽ tránh được những phiền toái gây ra cho người dân vì công chức giữ được chất lượng công việc và thái độ phục vụ người dân đúng mực, không “ăn cắp” giờ công. Thử hình dung người dân sẽ nghĩ gì nếu tiếp họ là một “công bộc” mặt đỏ gay, nồng nặc hơi men, giọng nói lè nhè. Hình ảnh như thế thật đáng xấu hổ và đáng chê trách. Đó là chưa kể, rượu bia còn có thể làm các “công bộc của dân” có những hành động thất thố với người dân mà bình thường họ sẽ không làm, như đã từng xảy ra trong một số trường hợp.

Đặt trong bối cảnh Chính phủ đang hướng đến mô hình chính phủ kiến tạo - phát triển, cấm rượu bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa còn nhằm phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn qua thái độ ân cần chu đáo của công chức. Chẳng hạn, trong hai năm vừa qua, TPHCM đã có những bước tiến bộ về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng vẫn cần nỗ lực mạnh hơn để cải thiện hơn nữa chất lượng phục vụ dành cho cộng đồng doanh nghiệp và thu hút thêm nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Loại bỏ tắc trách của đội ngũ công chức do rượu bia gây ra trong giờ làm việc cũng là một phần trong nỗ lực nói trên.

Một khi đã đề ra quy chế cấm cửa rượu bia trong giờ làm việc, trong thời gian nghỉ trưa của ngày làm việc các cấp quản lý cần phải triển khai và giám sát cho thật nghiêm để sửa cho được một thói quen xấu đã tồn tại quá lâu. Công chức phải làm gương, nếu công chức không làm được thì làm sao thuyết phục người dân làm những chuyện họ cần làm.