(PL) - Tỉnh Đắk Nông tập trung ổn định đời sống của dân.
“Sau vụ nổ súng, nhiều người dân chúng tôi vẫn thấp thỏm lo sợ người của Công ty Long Sơn tấn công. Tuy nhiên, sự có mặt của chính quyền xã, huyện thường xuyên tại tiểu khu 1535 khiến người dân không còn bất an. Chúng tôi chỉ mong muốn đời sống sớm ổn định, dù là dân di cư, chúng tôi vẫn mong mình được chính quyền xác nhận là công dân của tỉnh” - ông Nguyễn Văn Chu (quê gốc ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước) bày tỏ.
Cũng như ông Chu, tại buổi họp ngày 2-11 với đoàn công tác huyện Tuy Đức vừa qua, nhiều người dân mong mỏi được chính quyền sớm triển khai lập thôn ấp để ổn định dân cư.
Là người đến sống tại xã Đắk Ngo từ những năm 1996, ông Đàm Đình Quảng (94 tuổi) và vợ phải vất vả khai khẩn được 2 ha rẫy nhưng Công ty Long Sơn đã hai lần tàn phá khiến ông không còn gì - ông Quảng bộc bạch.
Tương tự, ông Điểu Mai cho biết cả gia đình có hơn 2 ha đất rẫy ở tiểu khu 1535 nhưng bị Công ty Long Sơn san ủi. “Họ tàn phá rẫy gia đình dù chúng tôi có xin để chúng tôi nhổ hết mì” - ông Mai nói.
Còn bà Nguyễn Thị Sen thì mong mỏi đề án tái định canh, định cư để ổn định cho dân sớm được thành thực tế. “Nếu ở đây có thôn ấp, có chính quyền đảm bảo an ninh trật tự thì đâu có vụ Công ty Long Sơn nhiều lần san ủi khiến chúng tôi bức xúc, dẫn đến vụ án đau lòng ngày 23-10” - bà Sen nói.
Về các kiến nghị của người dân mong sớm ổn định đời sống, có đất sản xuất, một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông nói: “Tỉnh đang nỗ lực hết sức để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý địa bàn để xảy ra vụ trọng án, giúp người dân yên tâm sản xuất. Đối với những hộ dân không có đất sản xuất, theo đề án ổn định dân cư mà tỉnh đang làm thì ai không có đất sẽ được cấp đất sản xuất. Các ngành chức năng của tỉnh đang xúc tiến việc thành lập khu dân cư ở những nơi này để tiến tới thành lập thôn ấp, xã mới nhằm đảm bảo đời sống người dân được đầy đủ quyền lợi”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, trước mắt tỉnh đang khẩn trương lấy ý kiến của người dân để lập ban tự quản ở hai khu dân cư tại tiểu khu 1535. Kế đến là lập trạm y tế. Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang làm rõ các vấn đề liên quan và tiếp tục lắng nghe nguyện vọng của người dân để trình phương án lên trung ương xem xét sớm thành lập xã mới như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. “Trước đó, năm 2014 tỉnh đã có đề án và có khảo sát tại các khu vực liên quan. Từ đó, tỉnh đã thu hồi hàng ngàn hecta đất giao cho các công ty ở huyện Tuy Đức để bố trí cho dân thiếu đất sản xuất. Trong đó, Công ty Long Sơn chỉ còn để lại 250 ha (trong tổng số hơn 1.000 ha được cho thuê năm 2008 - PV)” - vị này thông tin.
***
Tỉnh đề nghị khởi tố sai phạm của Công ty Long Sơn
Trong một diễn biến mới nhất, theo nguồn tin riêng của PV từ cơ quan điều tra Bộ Công an, cơ quan điều tra đã mời những người liên quan của Công ty Long Sơn đến để làm rõ các vấn đề liên quan vụ án.
Chiều 8-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông nhấn mạnh: “Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh cùng các ngành chức năng khẩn trương đánh giá thiệt hại, giám định tuổi cây trồng của người dân để yêu cầu Công ty Long Sơn phải bồi thường. Do vụ án nổ súng do Bộ Công an điều tra nên Tỉnh ủy cũng đề nghị Bộ Công an xem xét khởi tố, làm rõ các vi phạm liên quan đến hành vi vi phạm của Công ty Long Sơn”.
Cho hộ dân đăng ký đất ở, đất sản xuất
Hiện tổ công tác của huyện vẫn luôn có mặt tại tiểu khu 1535 và các vùng dự án. Ở các vùng dự án thuộc hai xã Đắk Ngo, Quảng Trực có 661 hộ dân đang sinh sống. Tổ công tác đã thông báo cho các hộ dân đăng ký đất ở, đất sản xuất theo dự án ổn định dân di cư tự do ở hai xã này.
Ông NGUYỄN HỮU HUÂN, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức