Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Lý lịch "hoa mỹ" đến đáng ngờ của hiệu trưởng đứng lên bàn chửi học viên

LONG NGUYỄN

LĐO - Mới chỉ 30 tuổi, nhưng trong bản tự giới thiệu đăng tải công khai trên website của học viện Kinh tế Sáng tạo, người đứng đầu đơn vị này là ông Phan Văn Hưng nhận mình là Giáo sư, Tiến sĩ cùng hàng loạt các chức danh hoa mỹ khác...

Liên quan đến vụ việc "hiệu trưởng đứng lên bàn chửi bới học viên" đang gây bức xúc trong dư luận, theo khảo sát nhanh của PV Báo Lao Động, một trong các nguyên nhân cốt yếu khiến trung tâm này thu hút được một lượng lớn học viên theo học là bởi những lời giới thiệu có cánh được đăng tải công khai trên website chính thức của cơ sở này.

Cụ thể, ngoài ngôn từ trau chuốt miêu tả về trung tâm và thuật ngữ Kinh tế Sáng tạo (Creative Economic) thì ông Phan Văn Hưng - hiệu trưởng học viện này, được giới thiệu là người có trình độ Tiến sĩ Kinh doanh, cử nhân Hàn Quốc học.

Ngoài ra, ông Hưng còn được quảng cáo là nhà nghiên đa ngành như: Kinh tế học, Kinh tế thị trường, Kinh doanh học, Phát triển sản phẩm mới, Ngôn ngữ, Văn hóa, Lịch sử Hàn Quốc,... Nơi đăng các công trình nghiên cứu: Hiệp hội thương mại Hàn Quốc, Phòng nghiên cứu kinh doanh ĐH Soongsil, Seoul, Hàn Quốc.

Về nơi công tác, thông tin từ website cho biết ông Phan Văn Hưng là Hiệu trưởng Học Viện Kinh Tế Sáng Tạo kiêm Giáo sư danh dự ĐH Southwest America (Hoa Kỳ) và đồng thời là Chuyên viên nghiên cứu kinh tế thuộc ĐH Soongsil, Seoul, Hàn Quốc.


Tuy nhiên điều nực cười ở chỗ, ngay từ năm 2010, trường ĐH Southwest America (Hoa Kỳ) đã bị liệt vào danh sách 21 trường ĐH “ma” tại Mỹ. Còn tại Việt Nam, năm 2012, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc rà soát và đóng cửa một số chương trình liên kết đào tạo không đúng quy định. 

Trong quá trình sàng lọc, các cơ sở giáo dục tuy được cấp phép nhưng chất lượng không được đảm bảo cũng đã bị chỉ mặt điểm tên. Trong đó, tiếc tay, có tên ĐH Southwest America.

Ngoài ra, trong giấy phép được một số học viên đưa lên nhóm “Hội học sinh du học Hàn Quốc” thì Học viện Kinh tế sáng tạo hoạt động dưới hình thức là một trung tâm chứ chẳng phải học viện hay trường học. Tuy nhiên, ông Hưng luôn nhận mình là hiệu trưởng, thay vì giám đốc như lẽ thường.


Trả lời cho khúc mắc này, tại buổi làm việc ngày 7.11 trước sự chứng kiến của PV các cơ quan báo chí, người đàn ông đang bị điều tiếng khẳng định, ông không tự phong chức danh cho mình.

Ông Hưng nói: “Khi ở Hàn Quốc, tôi thường xuyên được mời giảng dạy và từng dạy ở một số trường Đại học. Bên Hàn Quốc, tôi là giảng viên thì đương nhiên các sinh viên gọi tôi là Giáo sư. Do đó, khi về Việt Nam tôi nhận mình là Giáo sư hoàn toàn không sai cả về quy định pháp luật và không sai về mặt đạo đức nghề nghiệp".

Theo ông Hưng, chức danh Giáo sư mà ông nhận phải được hiểu theo ngôn ngữ của... Hàn Quốc, chứ không thể hiểu theo ngôn ngữ Việt Nam. Còn nếu hiểu theo ngôn ngữ tiếng Việt Nam, danh xưng Giáo sư của ông  thực chất là giảng viên Đại học.

Cũng với kiểu lý giải như trên, ông Hưng nói tiếp về học vị Tiến sĩ của mình: “Tôi có bằng Tiến sĩ do Đại học Soongsil Hàn Quốc cấp và đã được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục Việt Nam công nhận. Khi làm Tiến sĩ, tôi có viết hai bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế. Tôi có bằng tiến sĩ Hàn lâm nên tôi cho rằng mình là Tiến sĩ Khoa học. Việc tôi nhận mình là Tiến sĩ Khoa học không thấy có gì sai...".

Được biết, theo theo quy định hiện hành, học hàm GS phải được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn và sau đó tiếp tục được 1 Trường ĐH của Việt Nam bổ nhiệm.