VNN - Dư luận thường có xu hướng “quy” tội cho thủy điện, cho tình trạng chặt phá rừng- điều đó không sai nhưng có lẽ nói thế là chưa đủ, chưa điểm đúng “huyệt”.
Ngày 14/10, Nhà máy Thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/s trong 4 giờ kèm theo mưa lớn khiến hàng nghìn nhà dân huyện Hương Khê – Hà Tĩnh ngập sâu trong biển nước.
Y như nhiều vụ xả lũ gây ngập trước đây, chính quyền sở tại và nhà máy cũng lại “ngập” trong cuộc cãi vã đúng, sai muôn thuở.
Theo ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch huyện Hương Khê, huyện không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy về việc xả lũ, lưu lượng, thời gian để cảnh báo.
“Đại diện nhà máy chỉ thông báo qua điện thoại tới 1 vị phó chủ tịch huyện lúc 16h chiều qua. Cả huyện hoàn toàn bị động trước việc này”, ông Huấn nói.
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô (Công ty CP Thuỷ điện Hồ Bốn) cho rằng, việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình!
“Chúng tôi có thông báo tới ban phòng chống bão lụt các cấp như trong phương án phòng chống lũ lụt nhà máy thuỷ điện đã được tỉnh phê duyệt…”, ông Hùng nói.
Chắc chắn nhiều người còn nhớ vụ việc rạng sáng ngày 1/10/2013 đơn vị vận hành hồ chứa nước Vực Mấu – Nghệ An bất ngờ xả cùng lúc mở 5 cửa tràn, gây ra trận lũ lịch sử. 20.000 ngôi nhà tại thị xã Hoàng Mai bị nhấn chìm, ước tính thiệt hại lên đến 800 tỷ đồng.
Tương tự, bài học về xả lũ ở vùng Tây Nguyên hay Quảng Nam thời gian qua cũng để lại nhiều bài học chua xót.
Câu hỏi đặt ra, tại sao những vụ việc này được thực hiện theo đúng phương án được phê duyệt, “đúng quy trình” mà lại để xảy ra tình trạng “cả huyện hoàn toàn bị động” và thiệt hại của người dân thì chưa thể tính toán hết được?
Dư luận thường có xu hướng “quy” tội cho thủy điện, cho tình trạng chặt phá rừng- điều đó không sai nhưng có lẽ nói thế là chưa đủ, chưa điểm đúng “huyệt”.
Trong những trường hợp cụ thể nêu trên, có thể thấy việc xây dựng, phê duyệt “phương án phòng chống lũ lụt” cơ sở, địa phương, nhất là các vùng trọng điểm, vùng hạ lưu các công trình thủy lợi, thủy điện… lâu nay vẫn mang tính hình thức, đối phó. Vẫn có phương án 1,2,3… đấy nhưng khi “vận” vào thức tế thì sai be, sai bét hết.
Việc phân công trách nhiệm và thực tế kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo các cấp, các ngành thiếu sâu sát, cụ thể (nhưng hễ đi được đâu đó là quay phim, chụp ảnh, tiền hô hậu ủng…). Vì vậy, khi có sự cố, sự việc xảy ra thường bị động, lúng túng và không hiếm trường hợp rất “giỏi” đổ lỗi, tranh công.
Người được giao trách nhiệm cao nhất (thường là chủ tịch UBND kiêm trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn) và bộ phận thường trực hoạt động không hiệu quả, thiếu tập trung, thống nhất.
Chưa nói tới việc những trường hợp thiếu trách nhiệm của vị trưởng ban lồng lộng oai vệ này này khi địa bàn mưa to gió lớn mà kéo nhau đi ăn tiệc, hay thủy lợi, thủy điện xả lũ mà còn “trách cứ” như mình là người ngoài cuộc, không hề hay biết?
Đáng nói là chuyện ở Vực Mấu và thị xã Hoàng Mai hồi năm 2013 và mới đây ở Hố Hô và huyện Hương Khê chắc chắn cũng được phát ra và thu về theo cách “đúng quy trình” dù báo giới, dư luận bàn ra, tán vào đủ kiểu.
Hệt như việc cũng trong dịp mưa lũ ngập tràn ở hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, bức ảnh khiến nhiều người xúc động chụp một con bò đứng chìm trong biển nước, giương to đôi mắt đầy ám ảnh, lại được người ta gọi là con trâu cơ đấy!
Ngẫm cho cùng, việc dân, việc nước hệ trọng như mưa lũ, xả tràn, tác động hàng triệu, hàng vạn dân, có thể gây tổn thất hàng trăm ngàn tỷ đồng… mà người ta còn hời hợt, qua chuyện và đổ vấy cho nhau như thế, thì chuyện gọi bò ra trâu hay tưới rau giữa trưa hè… chỉ là chuyện nhỏ, quá vụn vặt!