Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Thủy điện Hố Hô xả lũ: Đặt bom lên đầu dân à?

Hoàng Nam

Đất Việt - “Nếu hồ thủy điện không có chức năng điều tiết lũ thì anh làm nhà máy để làm gì? Anh đặt quả bom lên đầu người dân à?”.

Phải báo trước cho dân

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa quyết định thành lập tổ công tác điều tra việc xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hố Hố.

Theo đó, sáng sớm ngày 17/10, tổ công tác điều tra sẽ lên đường vào Hà Tĩnh để tiếp cận nhà máy, khảo sát hiện trường, nghiên cứu hồ sơ tài liệu, đồng thời chỉ đạo khắc phục sự cố nếu có.

Bộ trưởng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý với tập thể, cá nhân nếu để ra sai phạm.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho rằng đây là chỉ đạo cần thiết của Bộ Công thương.

Theo TS Tứ, việc xả lũ của thủy điện Hố Hô sau mưa lớn tại Hà Tĩnh đã để lại hậu quả nặng nề cho đời sống của người dân vùng hạ du. Việc làm này cần phải xem xét nghiêm túc vì có những biểu hiện làm sai quy trình.

“Thủy điện Hố Hô, công suất nhỏ 14 MW mà dung tích toàn mặt hồ lên tới 38 triệu m3. Đặc biệt, việc nhà máy mở cửa xả tràn với mức 1.800 m3 mỗi giây cũng lớn hơn rất nhiều so với các nơi khác.

Ở ĐBSCL, mùa khô cả sông Tiền, sông Hậu chỉ có hơn 2000 m3 và hơn nữa đây là các sông to.

Còn với thủy điện Hố Hô ở miền núi với mức xả 1800 m3/giây thì rất lớn. Sông Kẻ Gỗ sắp tới cũng chuẩn bị chạy lũ cũng chỉ xả mấy trăm m3 vào mùa lũ thôi”, TS Tứ dẫn chứng.

Với kinh nghiệm nhiều nghiên cứu, TS Tứ khẳng định, trước khi mưa lớn xảy ra thì nếu nhà máy quy trình vận hành đúng thì phải xả nước hết đi với lưu lượng tương đối. Tuy nhiên việc này phải thông báo cho người dân phía hạ du biết để chủ động có biện pháp phòng tránh.

“Việc chính quyền địa phương bức xúc vì đại diện nhà máy chỉ thông báo trước qua điện thoại cho 1 vị phó chủ tịch huyện Hương Khê chứng tỏ nhà máy thủy điện xả lũ có vấn đề.

Trước mùa lũ giữa nhà máy và Ban chỉ đạo phòng chống lũ lụt địa phương phải họp với nhau để có sự thống nhất. Việc địa phương kêu như vậy, chứng tỏ câu chuyện này phía Hố Hô rất chủ quan, coi thường người dân.

Anh nói không xả lũ thì sẽ vỡ đập chưa hợp lý. Trong trường hợp tần suất lũ cực đại thì phía thủy điện sẽ làm thế nào?”, TS Tứ đặt câu hỏi.

TS Tứ cho biết thêm, vào thời điểm năm 2009, Hội đập lớn Việt Nam đã có một công văn gửi đến chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Hương Khê, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cảnh báo về tình trạng xả lũ đối với thủy điện Hố Hô.

Trong đó cũng có đề cập đến công trình 2 vai đập bê tông nằm ở 2 bên đá thạch thủy điện có thể xảy ra tình trạng sạt lở.

“Ngay sau khi cảnh báo thì vào năm 2010 thủy điện Hố Hô xảy ra hiện tượng vỡ. Tại sao đã có cảnh báo rồi mà chúng ta vẫn để xảy ra những sự cố đáng tiếc như vậy? Trách nhiệm này phía Bộ Công thương cần phải làm rõ”, TS Tứ nhấn mạnh.

Không thể vô trách nhiệm

Trước giải thích thủy điện Hố Hô công suất nhỏ nên cứ nước đầy là xả, chưa có chức năng điều tiết lũ, TS Tứ cho rằng đây chỉ là cách chống chế của ban Phòng chống thiên tai của Nhà máy thủy điện.

“Trong một hồ chứa nào cũng thế, anh phải có phương án đề phòng lũ lớn ảnh hưởng, tác động đến hạ lưu. Việc bảo đảm an toàn cho nhà máy và bảo đảm an toàn hạ du là tối quan trọng. Nhất là khu vực này có dân cư, có các cơ sở hạ tầng. Không thể nói anh không có dung tích xả lũ do đó lũ đến anh cứ xả thoải mái. Không ai được phép nói như vậy. Giải thích của thủy điện Hố Hô chỉ là chống chế thôi.

Nếu hồ thủy điện không có chức năng điều tiết lũ thì anh làm nhà máy để làm gì? Anh đặt quả bom lên đầu người dân à? Rõ ràng việc thiết kế, xây dựng một thủy điện như vậy là có vấn đề”, TS Tứ nhấn mạnh.

Để xảy ra những hậu quả nặng nề cho người dân, vị chuyên gia nhấn mạnh, phải quy trách nhiệm cho những người vận hành.

“Không thể nói xả lũ đúng quy trình được. Đứng về trách nhiệm của một cơ quan quản lý, thì thủy điện Hố Hô phải biết được các hậu họa và phải làm mọi cách không thể để xảy ra sự cố. Việc này không chỉ là bài học cho nhà máy Hố Hô mà cho tất cả các nhà máy thủy điện ở Việt Nam. Đặc biệt là miền Trung với thủy điện phần lớn đập nước cao và hồ chứa nhỏ”, TS Tứ nhấn mạnh.
***

Gọi điện rồi xả lũ

Chiều ngày 16/10, ông Đặng Văn Toàn - Chánh văn phòng Huyện ủy Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, năm nào, nhà máy thủy điện Hố Hô và UBND huyện cũng có sự phối hợp trong thông báo xả lũ.

Bình thường thủy điện sẽ thông báo bằng văn bản trước 2 ngày cho UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND huyện Hương Khê, UBND các xã có liên quan.

Nếu trong quá trình xả lũ có tình huống bất thường, khẩn cấp thì đại diện lãnh đạo nhà máy sẽ thông báo trực tiếp cho trưởng phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp bằng điện thoại để xin phương án xử lý.

Thế nhưng, năm nay, theo ông Toàn, đại diện nhà máy chỉ thông báo qua điện thoại tới 1 vị phó Chủ tịch huyện lúc 16h chiều 15/10, nên cả huyện hoàn toàn bị động trước việc này.

“Đành lòng là năm nào thủy điện cũng xả lũ, người dân cũng đã quen, nhưng năm nay thì mực nước quá lớn. Việc làm này của thủy điện Hố Hô đã gây khó khăn cho huyện, cùng với đó sau khi hỗ trợ bà con xong, sẽ có phương án xử lý với nhà máy thủy điện này”, ông Toàn khẳng định.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thông, Phó giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô, cho biết việc đơn vị mở hết các cửa xả tràn là bất khả kháng, do trời mưa quá lớn.

Đặc biệt, ông Thông khẳng định, thời điểm xả lũ, đơn vị có gọi điện thông báo cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, huyện và các xã vùng hạ du.

Còn theo giải thích của ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Hố 4, kiêm Trưởng ban Phòng chống thiên tai của Nhà máy thủy điện Hố Hô, thủy điện Hố Hô là thủy điện nhỏ (14 MW) nên cứ nước đầy là xả, chưa có chức năng điều tiết lũ được.