Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Uẩn khúc trong vụ cưỡng chế đất khiến 8 người dọa tự thiêu

Luật sự Thông Thái

Sau khi câu chuyện về 8 người dọa tự thiêu vì bị cưỡng chế đất ở Đà Nẵng được lan tỏa trên mạng xã hội, đi sâu vào vụ án có rất nhiều vấn đề đáng bàn tại đây.

Theo thông tin chia sẻ hiện nay ông Võ Văn Hùng, bà Đặng Thị Thu Hương không chấp nhận ngôi nhà 209 Đống Đa quận Hải Châu, TP Đà Nẵng bị cưỡng chế. Bởi căn nhà này thuộc sở hữu của bà Võ Thị Hiên (mẹ của ông Hùng và bà Hương). Tuy nhiên, chi phí xây dựng căn nhà với giá trị 24000 USD lại do bà Võ Thị Hoàng Yến (em ruột bà Hiên, trú quận Hải Châu) bỏ ra.

Hai năm trước, bà Hiên tử vong không kịp để lại di chúc. Từ đó, căn nhà có 8 người thuộc 2 gia đình ông Hùng và bà Hương sinh sống. Cho rằng mình bỏ tiền ra xây nhà nhưng không được ở nên bà Yến khởi kiện đòi lại nhà. Trải qua nhiều phiên xét xử, TAND cấp cao tại Đà Nẵng buộc 2 người trên bàn giao lại nhà cho bà Yến.

Viện kiểm sát và tòa có quan điểm trái ngược

Các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều nhận định, ngôi nhà 209 Đống Đa thuộc quyền sở hữu của bà Yến. Còn ông Hùng, bà Hương chỉ là người trông coi hộ. Tuy nhiên, Quyết định kháng nghị ngày 19/6/2012 của Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng phản bác lại nhận định trên và cho rằng, việc tòa công nhận quyền sở hữu nhà cho bà Yến là trái pháp luật vì người này mang quốc tịch Mỹ.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 1987 và 1993, bà Yến là Việt kiều nên không có quyền mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Nếu có xảy ra thì đây là giao dịch bất hợp pháp không được pháp luật công nhận.

Sau khi phân tích như trên, kháng cáo của Viện KSND TP Đà Nẵng, kết luận: “Bản án trên suy diễn không có căn cứ, trái với bản chất cam kết giữa bà Hiên với bà Yến. Theo nội dung cam kết của bà Hiên thì bà Yến là người đã tạo dựng ra ngôi nhà, hoàn toàn không liên quan gì đến quyền sử dụng đất”.

Ông Hùng cũng khẳng định, “Việc tòa buộc tôi cùng bà Hương ra khỏi nhà là quá oan ức. Chúng tôi chấp nhận trả lại tiền mà bà Yến đã gửi về xây nhà, còn đất là tài sản của mẹ tôi để lại nên chúng tôi có quyền thừa kế“.

Dấu hiệu oan sai

Trong vụ việc này có thể thấy, TAND các cấp đã đã cố tình đồng nhất 2 tài sản đất và nhà làm một dẫn đến nhận định sai về quyền thừa kế. Vì theo sổ đỏ, bà Hiên là chủ sở hữu của ngôi nhà và cả mảnh đất nói trên trong khi đó bà Yến không có tên trong sổ đỏ thì dù bà Hiên mất đi không để lại di chúc nhưng tài sản ấy vẫn sẽ thuộc về con của bà Hiên – ông Hùng và bà Hương theo quy định tại Điều 675 Bộ Luật Dân Sự.

Thêm nữa, HĐXX cũng chưa làm rõ được số tiền mà bà Yến gửi về. 24.000 USD là bà Yến gửi về cho bà Hiên vay hay là biếu chị gái mua đất xây nhà. Nếu bà Yến cho bà Hiên thì người em gái sẽ không có bất cứ quyền lợi nào trong ngôi nhà nói trên.

Trong trường hợp bà Yến chứng minh được mình đầu tư hoặc cho chị gái vay tiền để mua đất xây nhà thì người hưởng quyền thừa kế (tức ông Hùng và bà Hương) phải có trách nhiệm trả lại số tiền đó. Theo hồ sơ, tại tòa bà Yến có chứng minh được mình đầu tư tiền nên lẽ ra HĐXX tuyên buộc bị đơn trả lại tiền cho nguyên đơn.

Việc TAND các cấp tuyên buộc ông Hùng, bà Hương trả lại ngôi nhà 209 là sai luật. Chưa kể, bà Yến là Việt kiều – không thuộc diện được sở hữu đất và tài sản trên đất ở Việt Nam mà HĐXX lại buộc ông Hùng, bà Hương giao nhà cho bà ấy là vi phạm các quy định của pháp luật.

Sau khi sự việc diễn ra rất nhiều độc giả đã phẫn nộ với phán quyết của Tòa án. Có một số ý kiến còn cho rằng bà Yến đã “hối lộ” cho tòa án để được sở hữu căn nhà trên. Đề nghị các cơ quan chức năng cấp cao vào cuộc để minh bạch vụ án để đòi lại lợi ích hợp pháp cho cả hai bên theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật.