Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Khi gánh nặng ngân sách ngày càng tăng

Tư Giang

(TBKTSG) - Không thể ép mãi các nguồn thu để ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu trong khi lại nương tay với tình trạng vung tay quá trán, bóc ngắn cắn dài trong việc chi tiêu ngân sách phổ biến khắp các bộ, ngành và địa phương.

Thu nhiều

Gần đây một lãnh đạo đã nghỉ hưu của Bộ Tài chính đã trải lòng với những người trong ngành: “Chúng ta cứ mải miết thu thuế, lo lắng sao cho đạt và vượt chỉ tiêu ngân sách. Nhưng nhìn cách chi tiêu vung lên, hiệu quả đầu tư kém cỏi, tôi cảm thấy thương cảm cho ngành thuế, cho doanh nghiệp”, ông nói.

Lời tâm sự trong nội bộ của vị cựu lãnh đạo được nhiều người trong ngành kể lại phản ánh một thực trạng đã trải qua nhiều đời Bộ trưởng Tài chính: thu ngân sách nhà nước năm nào cũng vượt gần 10% so với dự toán Quốc hội giao, nhưng bội chi ngày càng lớn. Nó phản ánh, một mặt, người dân và doanh nghiệp đang đóng thuế và phí “cao nhất khu vực”, theo một báo cáo năm 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội; và mặt khác tình trạng chi tiêu công không được kiểm soát tốt, hiệu quả đầu tư kém.

Đương nhiên, ở góc độ quản lý tay hòm chìa khóa quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng luôn phải chịu sức ép tăng thu. “Tôi đã nói rõ, ông nào thỏa hiệp với địa phương tôi sẽ kỷ luật”, Bộ trưởng nhắc lại nguyên tắc điều hành về giao ngân sách cho các địa phương trong cuộc làm việc gần đây với Tổ công tác của Thủ tướng.

Thực tế là ông đã chỉ đạo 13 địa phương tăng thu thêm 23.800 tỉ đồng trong nửa cuối năm nay để điều tiết về ngân sách trung ương. Thực hiện chỉ đạo này, Tổng cục Thuế đã triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, tăng cường chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng đến nhiều địa phương cả nước.

Sức ép này đang đè nặng lên không ít địa phương. Chẳng hạn, Cần Thơ vừa được giao tăng thu so với dự toán 565 tỉ đồng trong năm nay, tương đương với số thu của gần một tháng. Năm 2016, tỉnh này được giao thu nội địa 7.535 tỉ đồng, tăng 5,8% so với số thu thực tế năm 2015, nếu cộng cả chỉ tiêu vừa được giao thêm thì thu nội địa ở Cần Thơ phải đạt 8.100 tỉ đồng. Theo tính toán của ông Võ Kim Hoàng, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Cần Thơ, với chỉ tiêu mới này, tốc độ tăng thu của Cần Thơ trong năm nay phải tăng tới 15%, cao hơn nhiều so với khoảng 10-12% các năm trước đây.

Năm 2015, trên địa bàn Cần Thơ có khoảng 6.500 doanh nghiệp hoạt động thì có 348 đơn vị không phát sinh doanh số, trên 1.082 doanh nghiệp bị lỗ. Trong sáu tháng đầu năm nay có thêm 550 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tương đương với số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, đóng cửa, phá sản do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. “Nhiệm vụ tăng thu năm 2016 quả là vô cùng khó khăn với chúng tôi”, ông Hoàng nói trong một cuộc làm việc với phóng viên gần đây. Tuy nhiên, ông khẳng định “sẽ hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Cường, Cục trưởng Cục Thuế Kiên Giang, cũng đang chịu nhiều sức ép bởi nhiệm vụ thu. Kiên Giang năm nay bị hạn hán, xâm nhập mặn rất nặng. Nhiều doanh nghiệp thủy sản chỉ hoạt động cầm cự, người nuôi trồng khó khăn, và lần đầu tiên trong rất nhiều năm qua ngành nông nghiệp tăng trưởng âm, tác động tới 70% dân số của Kiên Giang. “Công tác thu của chúng tôi vì thế bị ảnh hưởng lớn”, ông Cường than thở.

Là một trong 10 tỉnh của cả nước đạt kết quả thu tốt nhất, nhưng ông Cường khẳng định, rất khó để đạt tỷ lệ nợ tối đa 5% - mức mà Bộ Tài chính yêu cầu. Ông giải thích: “Rất nhiều lý do khách quan, trong đó chủ yếu là do các doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản. Tăng thu từ khu vực này là khó. Hơn nữa, cưỡng chế tài sản cũng không được vì tài sản đã được thế chấp ngân hàng. Mà cũng không thể cưỡng chế được vì còn phải tạo điều kiện cho họ sống”.

Chi tiêu quá đà

Ở khía cạnh chi tiêu, cơn khát tiêu tiền ngân sách dường như không thể thỏa mãn. Giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi trung tuần tháng 6 vừa rồi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, bội chi ngân sách nhà nước so với GDP thực hiện năm 2014 là 5,69%. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên tới 6,33% trong báo cáo kiểm toán công bố cuối tháng 8 vừa qua. Đây là đà chi tiêu không kiểm soát được nếu tính đến tỷ lệ bội chi đã lên tới 6,6% GDP năm 2013 trước đó, cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu 5% GDP mà Quốc hội cho phép. Năm 2015, bội chi ước tính là 5,7% GDP.

Vậy mà, trong một nghị quyết của Chính phủ tuần trước, các bộ lại được Chính phủ phê duyệt cho đầu tư tới 21 chương trình mục tiêu với tổng trị giá lên tới gần 900.000 tỉ đồng trong vòng năm năm tới. Đây là số tiền rất lớn, tương đương với thu ngân sách nhà nước trong một năm. Điều đáng nói là chỉ chưa tới một năm trước, trong nỗ lực cắt giảm các nguồn chi, Quốc hội đã cắt giảm còn hai chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2016-2020 từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn năm năm trước do lo ngại lãng phí và vượt quá năng lực tài chính quốc gia.

Trong báo cáo công bố tháng 8 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước than phiền rằng, đến tháng 3-2016 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn không có báo cáo về số nợ đọng xây dựng cơ bản cho năm 2015. Con số này trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước lên tới 57.100 tỉ đồng tính đến cuối năm 2014. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tính đến hết năm 2014 tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách khoảng 46.000 tỉ đồng và tổng số vốn ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi là 62.200 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Số nợ đọng lên tới 108.200 tỉ đồng đặt ra câu hỏi nghi ngờ về hiệu lực của Luật Đầu tư công.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, một số công trình đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả còn thấp hoặc không thể đưa vào sử dụng. Tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước xảy ra trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thất thoát, lãng phí. Cơ quan của Quốc hội điểm mặt các dự án sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước lãng phí, hiệu quả kém như: đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông thi công chậm chạp, chi phí xây dựng đội lên cao; Bảo tàng Hà Nội qua gần năm năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp; dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỉ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh thành không có sinh viên sử dụng...

Mới điểm qua sơ bộ bề chi đầu tư phát triển đã có hàng loạt vấn đề. Đó là chưa kể đến lãng phí ở các doanh nghiệp nhà nước, và đặc biệt là chi thường xuyên đã lên tới hơn 70% chi ngân sách để nuôi bộ máy cồng kềnh, đầy gánh nặng.