Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Liệu có sự tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh trốn thoát?

LÊ KIÊN

TTO - Đó là ý kiến đáng chú ý của thành viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN khi thảo luận dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân sáng 4-10.

Nhân dân hoài nghi

Theo phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Bùi Thị Thanh, qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cho thấy có sự bất bình trước vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh. Ông này khi đương chức chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC) đã làm thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng.  

Mặc dù vậy, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được luân chuyển, bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại Bộ Công thương, UBND tỉnh Hậu Giang.

Cử tri, nhân dân “đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan đã cố tình tiếp tay cho các cá nhân vi phạm. Có như vậy mới củng cố được niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”.

"Lâu nay các lực lượng chức năng của VN được đánh giá là rất giỏi trong công tác chống tội phạm, nhưng việc để ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn thì dư luận rất băn khoăn, người ta nghi ngờ phải chăng có sự tiếp tay? Tôi nghĩ nên đưa vụ việc này vào báo cáo trước Quốc hội để thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn” - GS.TS Phạm Thị Trân Châu nói.

Ông Vũ Trọng Kim - chủ tịch Hội Thanh niên xung phong - cũng đặt ra câu hỏi tại sao không áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết mà để Trịnh Xuân Thanh trốn thoát, gây ra những hệ lụy làm dân mất lòng tin.

“Đây là vụ việc đã được Tổng bí thư chỉ đạo nhiều cơ quan cùng vào cuộc, nhưng đến nay chưa biết báo cáo cụ thể thế nào. Khi tôi hỏi thì các đồng chí nói rằng đang cãi nhau như mổ bò. Mổ bò, mổ trâu thì kệ các anh chứ. Các anh phải có trách nhiệm báo cáo, làm rõ quy trình. Cái này cần phải đưa vào báo cáo Quốc hội” - ông Kim đề nghị.

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội của MTTQ VN Nguyễn Túc cho rằng phải nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Người đứng đầu có nghiêm, có chống từ trên xuống thì mới nghiêm, chứ chỉ chống tham nhũng từ vai trở xuống thì khó lắm. Hiện nay nhân dân đang cảm thấy hoang mang về lối sống của cán bộ” - ông Túc nói.

Họp nhiều, hiệu quả ít

Dự thảo báo cáo cũng cho biết thời gian gần dây, thông tin trên mạng và trong các tầng lớp nhân dân có nhiều ý kiến trái chiều về việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo liên quan đến công tác cán bộ thiếu minh bạch, về phẩm chất, lối sống của cán bộ, trong đó có cả cán bộ chủ chốt.

Công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ ở một số nơi chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch, gây bất bình trong nhân dân. Trong khi đó, dư luận về những vụ việc Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa, Bình Phước… đã gây hoang mang, băn khoăn trong các tầng lớp nhân dân.

Nhân dân đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, công bố thông tin để nhân dân biết. Nhân dân mong muốn việc thực hiện quy hoạch, bố trí cán bộ phải đảm bảo dân chủ, công bằng để chọn được người hiền tài cống hiến cho quê hương, đất nước.

Vẫn theo dự thảo báo cáo, Nhân dân lo ngại về tình trạng “họp nhiều” trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Họp nhiều nhưng chất lượng, hiệu quả thấp, công việc trì trệ, không giải quyết được hoặc giải quyết chậm. Tổ chức họp nhiều là biểu hiện của phương pháp làm việc dựa dẫm vào tập thể, hạn chế năng lực và trách nhiệm cá nhân.

Đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ đưa vấn đề “họp” vào nội dung đổi mới, chương trình cải cách hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, cán bộ phát huy hết năng lực, vai trò, trách nhiệm của mình trong xử lý công việc.