(TBKTSG) - Những công dân Việt Nam lỡ mang tên lạ như Nokia, Motorola, Messi, Hy Chơng, Samsung, San-U… sẽ được xử lý như thế nào khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực?
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, từ ngày 1-1-2017, việc đặt tên (người) bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Cụ thể, “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ” (điều 26.3).
Việc Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về đặt tên như trên, theo Bộ Tư pháp, là nhằm tạo cơ sở pháp luật thống nhất cho việc xây dựng, cập nhật và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (số định danh cá nhân; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; chứng minh nhân dân; mã số thuế cá nhân; trình độ học vấn...) theo Luật Căn cước công dân năm 2014.
Từ 1-1-2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an (Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em tại một số địa phương. Đến nay, kết quả bước đầu cho thấy là khả quan, nên triển khai tiếp Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở một số địa phương, đặc biệt là ở một số huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, xuất hiện những cái tên người nghe “lạ hoắc” như: Nokia, Motorola, Messi, Hy Chơng, Samsung, San-U, Honda, Suzuki, Rô-nan-đô… Tên cá nhân được đặt theo trào lưu cảm tính hoặc theo sở thích nhất thời của một số bậc cha, mẹ.
Chỉ vì yêu thích một nhân vật - diễn viên điện ảnh ngoại nổi tiếng hay một cầu thủ bóng đá siêu hạng nước ngoài nào đó là người ta có thể lấy đó đặt tên cho con mình; thậm chí đôi khi chỉ vì thích một loại điện thoại, một loại xe máy nào đó người ta cũng có thể đặt tên con theo hãng sản xuất.
Vẫn biết từ ngày 1-1-2017 trở đi, khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, những cái tên “lạ hoắc” theo kiểu này sẽ không còn được cho phép đặt nữa. Vấn đề là những cái tên của công dân Việt Nam không phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam đã được đặt trước thời điểm ngày 1-1-2017 sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như thế nào? Liệu thông tin về “họ và tên” trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân có cho phép nhập thông tin về họ, tên không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015? Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân khi được cấp thẻ căn cước công dân, vì thẻ căn cước công dân khi được cấp không thể ghi tên của công dân không phù hợp với quy định của pháp luật.
Vì vậy, thiết nghĩ, trách nhiệm quan trọng và cấp bách của ngành tư pháp và các ngành có liên quan hiện nay là làm sao hướng dẫn kịp những trường hợp đã đặt tên không phù hợp với quy định của pháp luật để họ được chọn tên và đặt lại tên theo đúng quy định và đưa vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như Cơ sở dữ liệu căn cước công dân - đảm bảo sự quản lý nhà nước đồng bộ thống nhất đối với tất cả mọi công dân Việt Nam.