Infonet - Chiều nay (4/10), tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, PV các báo đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh vụ việc cảnh sát hình sự Đông Anh “gạt tay trúng má” PV nhưng không có câu trả lời.
Buổi họp giao ban báo chí dưới sự chủ trì của Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà, cùng tham dự buổi họp có đại diện UBND huyện Đông Anh và thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP Hà Nội.
Nội dung của buổi họp báo tập trung vào hai nội dung chính: Hà Nội chuẩn bị tôn vinh “Công dân Thủ đô ưu tú” và 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại quận Hoàng Mai.
Trước đó, theo VTC news, trưa 1/10, trao đổi với PV VTC news, Đại tá Nguyễn Văn Viện - Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an TP Hà Nội cho biết: "Vụ việc này sẽ được công bố thông tin chính thức trong buổi họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 4/10 tới đây. Khi đó sẽ mời các cơ quan báo chí đến tham dự."
Vì vậy, tại cuộc họp chiều 4/10, trước sự có mặt của đại diện Công an Thành phố Hà Nội, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về vụ việc phóng viên Quang Thế (báo Tuổi trẻ) bị cảnh sát hình sự huyện Đông Anh “gạt tay trúng má” khi đang tác nghiệp trên cầu Nhật Tân.
Cụ thể các câu hỏi của phóng viên như: Công an Quận Tây Hồ ra quyết định xử phạt phóng viên Quang Thế do đỗ xe trên cầu nhưng không được lập biên bản có đúng luật hay không? Hành vi đỗ xe dưới lòng đường, không lập biên bản có được phép xử phạt 350.000 đồng hay không?
Phóng viên cũng có câu hỏi gửi đến Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là: “Vụ việc phóng viên Quang Thế bị công anh huyện Đông Anh hành hung, Công an TP đã ra kết luận vụ việc và hướng xử lý. Tuy nhiên, quyết định xử phạt hành vi hành hung được gọi là “cú gạt tay trúng má" PV Quang Thế. Tiếp đó là quyết định xử phạt hành chính của Công an quận Tây Hồ với phóng viên Quang Thế. Quan điểm của Thành ủy, UBND TP về vụ việc này như thế nào? Câu trả lời của Công an TP có đúng bản chất vấn đề hay chưa? Cách giải quyết như vậy đã thấu tình đạt lý hay chưa?"
Tuy nhiên, tất cả những câu hỏi trên đều không nhận được câu trả lời từ phía Công an TP và Thành ủy Hà Nội. Đại diện duy nhất của Công an TP Hà Nội, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng từ chối trả lời với lý do không thuộc thẩm quyền phát ngôn.
Trong khi đó, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có ý kiến rằng: “Các ý kiến khác 2 nội dung trên (nội dung họp báo - PV) khi nào có thông tin sẽ cung cấp cho báo chí”.
Trước đó, vào sáng ngày 23/9, tại khu vực cầu Nhật Tân có một người tử vong dưới chân cầu, trên cầu là chiếc xe taxi đang đỗ. Nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc và sự phân công của cơ quan, phóng viên Trần Quang Thế (Cơ quan đại diện báo Tuổi trẻ TP.HCM tại Hà Nội) đã đến khu vực cầu Nhật Tân tìm hiểu vụ việc này.
Trong lúc đang tác nghiệp, phóng viên Trần Quang Thế bị một nhóm người, trong đó có cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát Hình sự, Công an Huyện Đông Anh mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung. Rất nhiều người dân, đồng nghiệp các báo có mặt ở hiện trường đã chụp ảnh, ghi hình việc phóng viên Trần Quang Thế bị hành hung.
Ngay sau đó, tối 29/9, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với phóng viên Quang Thế. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu các lỗi: Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng. Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng.