Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Cú đấm ở cabin trạm thu phí

MẠNH LÊ

(PL) - Khi xem clip ông Trần Quang Lâm (cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lương Sơn, Hòa Bình) thượng cẳng tay hạ cẳng chân và phi lộ vào cabin trạm thu phí để tấn công nhân viên ở đây, người ta cứ nghĩ đó là hành xử của một kẻ bất hảo nào đó, xem thường luật pháp chứ rất khó để nghĩ đó lại là hành xử của một cán bộ Nhà nước.

Cách đây hai tuần, dư luận đã không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh một cán bộ của Sở GTVT TP Hà Nội hành xử hết sức bất nhã, bạo lực với nhân viên sân bay Nội Bài ngay trước thềm ngày 20-10 (ngày Phụ nữ Việt Nam). Và cú bồi lần này của ông Lâm lại một lần nữa làm cho hình ảnh của người cán bộ trở nên méo mó trong mắt người dân (trong khi bao cán bộ, công chức khác phải rèn luyện, giữ gìn hình ảnh).

Đúng, sai hạ hồi phân giải khi ông Lâm đã bị cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đình chỉ công tác hai tuần để làm rõ sự vụ này. Tuy nhiên, chỉ riêng với cách hành xử này thôi đã xứng đáng để đặt ông Lâm sang một diện khác, không nên nằm trong đội ngũ viên chức, công chức nhà nước. Vì sao?

Vì ngay trong Luật Cán bộ, công chức đã quy định rất rõ “văn hóa giao tiếp với nhân dân” như sau: “Cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc” (Điều 17). Vậy người dân phải hiểu sao với những lời chửi bới, những cú đấm thẳng tay rồi phi lộ vào cabin hành hung nhân viên trạm thu phí của ông Lâm?

Một nguyên tắc căn bản khác trong hành xử của cán bộ, công chức là phải tôn trọng hiến pháp và pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân chứ làm gì có cái kiểu quyết liệt bảo vệ quyền lợi của mình tới cùng, bất chấp quy định của tổ chức, luật pháp của Nhà nước như ông Lâm?

Một điều chắc chắn nữa là trong tiêu chí để tuyển dụng, bổ nhiệm ông Lâm không có tiêu chí “khỏe để đánh nhau” và trong đánh giá cán bộ, công chức thường niên cũng không ưu ái chi hết cái cách hành xử thiếu văn hóa, dư côn đồ ấy của ông Lâm.

Cái cách muốn “vượt trạm miễn phí” của ông Lâm làm người ta nghĩ ngay đến một bộ phận cán bộ thích “phô trương” quyền lực của mình một cách vô kỷ cương để chứng tỏ cho người khác thấy quyền năng của mình. Thích “được đề cao”, được người khác phục tùng, thích “giễu võ giương oai” để cho thiên hạ biết ta là ông kia, chức nọ mới bằng lòng. Đó cũng là biểu hiện của thói “quan liêu”, hách dịch. Nói trắng ra ông Lâm là người thực thi pháp luật của Nhà nước mà lại hành xử kiểu đứng trên pháp luật là điều hết sức đáng trách.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) mới ban bố còn chưa ráo mực, đã liệt những hành xử trên vào diện những biểu hiện “suy thoái đạo đức, lối sống”. Và cái cách của ông Lâm càng minh chứng một cách sinh động cho sự nhận diện rất đúng, rất trúng của Đảng trong nghị quyết đặc biệt quan trọng này.

Bản thân ông Lâm có lẽ cần một bản lĩnh rất lớn lúc này để công luận còn thấy ông là cán bộ của Nhà nước, là hãy mạnh dạn nhận lấy cái sai của mình và chịu hình thức xử lý tương thích nhất.