MTG - Lúc thì 2 trang A 4, lúc thì 1. Nền trắng, chữ in đen, ít khi sai chính tả. Cuối tuần nào cũng vậy, các phóng viên báo chí truy cập, cố tìm...
Đó là gì? Xin thưa, đấy là lịch làm việc của lãnh đạo địa phương, đăng tải công khai trên website của cổng thông tin điện tử...
Nghề làm báo đôi lúc bí đề tài. Xem được nó, mừng hớn hở. Thế nào cũng có sự kiện hay, những thảo luận sôi nổi để có ý nảy sinh đề tài mới.
Nhưng “trời” chẳng chiều lòng người. Hình như lâu rồi, mở vào đấy, chẳng muốn xem cho hết. Còn gì nữa mà mong. Này nhé: giờ… ngày, ông chủ tịch chủ trì cuộc họp giải quyết khó khăn trong quy hoạch đô thị; Phó chủ tịch dự họp giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp A…
Kèm theo đó, cái ngoặc đơn ghi 4 chữ rành rành: làm việc nội bộ. Nhưng nói gì thì nói, đâu phải cuộc họp, sự kiện nào cũng làm việc nội bộ. Này nhé: cuộc họp bàn về phòng chống HIV, dự khởi công công trình A… cứ mời vào, tha hồ.
Nhưng sao 4 chữ “làm việc nội bộ” bị lạm dụng quá. Mà nào phải là những cuộc họp bàn về công tác tổ chức, bí mật quân sự, hay bí mật công nghệ, bí quyết kinh doanh...
Và sau khi có không ít ý kiến phản ứng, chính quyền một số địa phương đã tiếp thu. Và họ chấn chỉnh bằng cách sửa 4 chữ "làm việc nội bộ" thành... "có thư mời riêng". Tức báo chí cũng không được dự, bởi đâu có thư mời riêng!
Đem chuyện này bàn với mấy bạn đồng nghiệp, ai cũng lắc đầu, ngao ngán "biết rồi!”. Nghề làm báo, không có cơ hội tiếp cận thông tin, lấy gì để thông tin?
Đi đến trụ sở UBND phường nào, quận huyện nào, cũng rất dễ nghe, dễ thấy những lời, những câu hô hào về dân chủ. Đại loại, chủ trương của nhà nước bây giờ là “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Ấy vậy mà nhiều cuộc họp bàn về công trình này, quy hoạch nọ, định hướng phát triển kia, chỉ thấy người trong cuộc. Cấm cho dân biết, dân tham gia.
Dân làm báo như chúng tôi, có ưu tiên hơn người dân thường đôi chút, được biết chính xác lúc ấy họ đang ở phòng nào, họp bàn chuyện gì. Và chỉ thế thôi. Ôi! Giá chi những chuyện ấy không dính dáng gì đến quyền lợi người dân, đến tiền ngân sách mà người dân hằng năm đóng góp.
Một anh bạn khác nghề, sáng ngồi đếm giọt cà phê tí tách, nghe cánh nhà báo bàn 4 chữ “làm việc nội bộ”. Nghe xong, anh nói gọn lỏn: “Chắc tại mấy ông nhà báo dự họp, cứ thông tin những chuyện chưa tốt nên người ta ngại. Tốt khoe xấu che mà”.
Trời đất! Giả dụ quan chức mà cũng nghĩ như ông, làm sao địa phương mình và cả nước đi lên. Cái gì cũng vậy, điều tốt thì người ta khen, cái chưa được thì nêu ra để rút kinh nghiệm, tìm cách làm tốt hơn. Địa phương khác cũng vậy. Cái hay thì người ta nhìn mình học hỏi, cái sai thì người ta tránh để không phải trả giá lần nữa. Âu cũng là tốt cho người dân mình cả thôi.
Vâng, có lẽ đó là suy nghĩ thiển cận của anh bạn tôi, bởi mấy hôm trước, xem cuốn WTO và cuộc mưu sinh của người dân Trung Quốc của tác giả Thôi Lệ Kim, có đoạn viết:
“…Gia nhập WTO, sự thách thức lớn nhất đối với công cuộc cải cách nhà nước là làm thế nào công khai công vụ nhà nước trước công chúng.
Thực ra, ở các nước, việc công khai công vụ là một nghĩa vụ cơ bản của các cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân trên các mặt xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… Công dân có quyền được biết thông tin về hoạt động các cơ quan nhà nước.
Nhiều thông tin được xếp vào loại “tình báo nội bộ”, “bảo mật”… sẽ trở thành thông tin công cộng. Dù cho việc công khai tin tức công vụ là nhằm đáp ứng yêu cầu của WTO hay nguyện vọng của người dân đi chăng nữa thì nó cũng là nhiệm vụ quan trọng phải hoàn thành…”.
Nước mình đã gia nhập WTO mà, đâu có chuyện như anh bạn tôi nghĩ? Nhưng sáng nay, nhận được lịch công tác tuần mới. Mở ra, vẫn vậy. Chằng chịt đó đây những chữ “có thư mời riêng”.