Infonet - 17 vị cựu cán bộ trung, cao cấp đang nghỉ hưu tại TP Đà Nẵng vừa gửi thư lên Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ kiến nghị bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng - Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Ngày 26/6, ông Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP Đà Nẵng (giai đoạn 1976 – 1995) cho hay, 17 vị cựu cán bộ trung, cao cấp đang nghỉ hưu trên địa bàn Đà Nẵng vừa gửi thư lên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng - Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Theo đó, 17 người ký đơn kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ là “những cán bộ trung, cao cấp đã về nghỉ hưu tại TP Đà Nẵng, hiểu rõ tầm quan trọng của bán đảo Sơn Trà qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hiểu rõ vị trí chiến lược quốc phòng đặc biệt quan trọng của nó trước khi biết đến Sơn Trà là một Khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam và thế giới!”.
Thư kiến nghị mở đầu bằng tâm trạng chung của 17 vị cựu cán bộ trung, cao cấp này: “Từ giữa tháng 3/2017, các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải rất nhiều bài viết và hình ảnh tang thương của rừng cấm quốc gia Sơn Trà bị cày xới băm nát, thú rừng không còn nơi ẩn nấp…. lấy đất rừng cấm quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên quý giá của đất nước để xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng... Nhìn những hình ảnh ấy chúng tôi cảm thấy rất đau lòng!”.
Theo thư kiến nghị, Sơn Trà là một quần thể rừng và biển rất đẹp của TP Đà Nẵng, có 380 loài thuộc 106 họ, trong đó có 29 loài thuộc nguồn gen quý hiếm nằm trong sách Đỏ cần bảo tồn của thế giới, đặc biệt Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là “Nữ hoàng linh trưởng”. Với tổng diện tích 4.439 ha, nằm phía Đông Bắc của Đà Nẵng, Sơn Trà có vai trò quan trọng trong che chắn gió, bão và điều hòa khí hậu cho TP Đà Nẵng.
Đây cũng là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân với 20 con suối nước chảy quanh năm. Đặc biệt, Sơn Trà còn là một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu mà vị Giám đốc Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) đã có nhận xét: “...Trên thế giới, rất hiếm TP nào có hơn 1 triệu dân mà lại có khu rừng đặc hữu như ở Đà Nẵng. Khu rừng này nếu được bảo vệ tốt sẽ là một lợi thế để phát triển du lịch sinh thái bền vững mà không nơi nào trên thế giới có được...”.
Về vấn đề an ninh quốc gia, thư kiến nghị nêu rõ, trên đỉnh Sơn Trà có trạm rađa mà tầm quét sóng có thể vươn ra cả khu vực. Bán kính quan sát của hệ thống lên đến hàng trăm kilômet, được mệnh danh là “Mắt thần Đông Dương” hiện đang thực thi nhiệm vụ kiểm soát không lưu và cảnh báo sớm toàn bộ vùng nước Biển Đông, vịnh Bắc Bộ và không phận của Lào, Campuchia. Với vị trí này, trạm rađa trên bán đảo Sơn Trà còn là “mắt thần” của Trung tâm Cảnh báo sớm và điều hành tác chiến đường không trên toàn bộ Biển Đông và bầu trời Việt Nam.
17 vị cựu cán bộ trung, cao cấp đang nghỉ hưu tại Đà Nẵng tha thiết bày tỏ với Tổng Bí thư và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước: “Chúng tôi cũng hiểu được trong tình hình hiện nay phải tập trung cho phát triển kinh tế để xây dựng đất nước. Tuy nhiên Sơn Trà có vị trí và đặc điểm rất đặc biệt, nên phải có những giải pháp hết sức đặc biệt. Đó là phải đặt vấn đề an ninh quốc phòng và bảo tồn thiên nhiên lên trên hết.
Chúng ta không thiếu nơi để xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng có chất lượng cao để trở thành nổi tiếng, song tính riêng có của Sơn Trà đã từ lâu nổi tiếng trong con mắt bạn bè các quốc gia trên thế giới!”.
Chính vì vậy, 17 vị cựu cán bộ trung cao cấp này “tha thiết kính đề nghị Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm xem xét, hạn chế đến mức thấp nhất những dự án xây dựng để bảo toàn sự nguyên vẹn hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà này!”.
Họ cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về sự phát triển bền vững. Đó là sẽ phát triển kinh tế nhưng phải thay đổi mạnh mẽ tư duy phát triển đó, sẽ không đánh đổi môi trường lấy kinh tế làm ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân!”.
Kết thúc thư kiến nghị, 17 vị cựu cán bộ trung, cao cấp đang nghỉ hưu tại TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “Chúng tôi cùng ký tên dưới đây để thể hiện sự đồng lòng của tầng lớp cán bộ trung cao cấp TP Đà Nẵng gửi bản kiến nghị này lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước!”.
***
17 vị cựu cán bộ trung, cao cấp đang nghỉ hưu tại Đà Nẵng đã ký tên (chức danh) vào bản kiến nghị gồm:
1/ Trần Thận (Nguyên: Khu ủy viên Khu 5, Bí thư Đặc khu Quảng Đà, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước)
2/ Hoàng Tú (Nguyên Chủ tịch, TP Đà Nẵng (1978-1989)
3/ Hồ Việt (Nguyên Chủ tịch TP Đà Nẵng 1989-1993)
4/ Huỳnh Phương Bá ((Đại tá, Nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục phó về Chính trị Cục Kinh tế Quân Khu 5)
5/ Nguyễn Phú Hải (Đại tá, Nguyên Sư trưởng Sư đoàn 307 Quân Khu 5)
6/ Nguyễn Ngọc Nhiều (Trung tá - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh QN-ĐN (cũ))
7/ Lê Xuân Bông (Đại úy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh QN- ĐN (cũ))
8/ Lê Hồng Mai (Đại úy- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh QN-ĐN (cũ))
9/ Nguyễn Văn Lý (Bác sĩ, Nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Đại biểu HĐND tỉnh QN-ĐN (cũ), Thường vụ Tổng hội Y dược học Việt Nam)
10/ Lê Minh Xuân (Nguyên Trưởng ban Khoa học kỹ thuật tỉnh QN-ĐN (cũ), Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KHKT TP Đà Nẵng)
11/ Nguyễn Văn Chính (Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III)
12/ Lê Quang Cang (Nguyên Giám đốc Công ty Vải sợi- May mặc miền Trung (1981-1982)
13/ Hồ Duy Diệm (Nguyên Trưởng ban Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng (1976-1995)
14/ Thái Bá Lợi (Nhà văn).
15/ Đỗ Hùng Luân (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Tù Yêu nước TP Đà Nẵng)
16/ Dương Mộng Thu (Nhà báo).
17/ Trần Kim Nhu (Nguyên phó TGĐ Dasco)