Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

'Bạch hóa' ngân sách: Nếu 5 người cùng khai một con lợn...

Hoài An

Đất Việt - Khi công khai chưa được gắn liền với chuẩn hóa thống kê thì công khai, minh bạch cũng chỉ mang tính tượng trưng...

TS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới nêu quan điểm liên quan tới dự thảo công khai ngân sách của Bộ Tài chính. 

Theo ông Sơn, vấn đề công khai, minh bạch thông tin ngân sách là việc cần phải làm và buộc phải làm, bởi đánh giá đúng sức khỏe ngân sách là yếu tố rất quan trọng trong nền tài chính quốc gia. Thông tin một cách đầy đủ công khai, minh bạc về ngân sách sẽ giúp việc sử dụng ngân sách hợp lý hơn. Tính toán tỷ mỉ, công khai, minh bạch ngân sách nhằm hạn chế bội chi, khắc phục bội chi sẽ tránh được tình trạng vay nợ. Hạn chế bội chi sẽ có tiền để chi cho sự đầu tư phát triển, hướng nền kinh tế tới sự phát triển bền vững.

Theo đó, vị chuyên gia nêu mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, bắt buộc phải công khai. Công khai minh bạch thông tin ngân sách là yếu tố rất quan trọng liên quan tới những đánh giá các diễn biến của nền kinh tế vĩ mô. Công khai, minh bạch là cơ sở để giới kinh doanh cũng như toàn xã hội khi nhìn vào có thể biết được sức khỏe của nền kinh tế đang ở mức nào. Nó chính là chỉ tiêu để củng cố niềm tin trong giới kinh doanh cũng như giới đầu tư nước ngoài.

Ông Sơn cho rằng, khi không tiếp cận được với số liệu ngân sách hoặc tiếp cận với số liệu không đúng thì người dân sẽ không thể giám sát, giới chuyên môn không thể biết được sức khỏe thực sự của nền kinh tế đang ở giai đoạn nào? Khi tình trạng thâm hụt ngân sách không được đánh giá chính xác, không ai biết ngân sách thâm hụt ở đâu, đâu là nguyên nhân gây thâm hụt sẽ không thể đưa ra được một giải pháp xử lý hiệu quả.

"Nếu ngân sách tù mù sẽ không ai biết được tình trạng của ngân sách hiện ra sao? Ngân sách đang thừa tiền hay thiếu tiền?", vì vậy thông tin ngân sách phải được công khai.

Thứ hai, công khai những nội dung gì, công khai mức độ nào? Theo ông Sơn, việc công khai ngân sách không chỉ bao gồm những con số chung chung như tổng thu, tổng chi... của ngân sách. Hay đưa ra một báo cáo công khai nhưng đến cả giới chuyên môn đọc cũng không hiểu gì.

Công khai, minh bạch còn phải công bố cụ thể tới từng vấn đề thu - chi của các cấp, ngành, địa phương đang sử dụng nguồn lực từ ngân sách.

"Ở Mỹ, quy trình xây dựng ngân sách của Quốc hội hằng năm được gọi là quá trình phân bổ. Các dự luật phân bổ quy định chi tiết nguồn tiền thu của chính phủ sẽ phân bổ bao nhiêu cho các cơ quan, các chương trình khác nhau của chính phủ. Ngoài các dự luật tài trợ này, Quốc hội còn phải thông qua luật cung cấp cho chính phủ liên bang quyền hợp pháp để chi tiêu chính thức nguồn tiền này thông qua sự giám sát chặt chẽ của Luật ủy quyền.

Một số hoạt động chi tiêu không chịu sự giám sát của quy trình phân bổ. Những hoạt động chi tiêu này được gọi là chi tiêu trực tiếp, hoặc chi tiêu bắt buộc, và các luật ủy quyền cung cấp cho cơ quan hợp pháp quyền chi tiêu trực tiếp. Những khoản chi liên bang dành cho các chương trình Phúc lợi xã hội và Chăm sóc y tế là một phần của chi tiêu bắt buộc, vì chính phủ theo luật phải hoàn trả các khoản thu được đến những ai được hưởng chúng hợp pháp". Tuy nhiên, ở Việt Nam quy định về sử dụng ngân sách còn rất tù mù, không rõ ràng.

"Cũng chính vì tù mù không rõ nên mới có chuyện quan xã đi hát nợ cả trăm triệu, quan địa phương thết đãi khách nước ngoài cả rượu nghìn USD hay Hà Nội chi cả 800 tỷ cắt cỏ, EVN tính toàn bộ chi phí xây biệt thự vòa giá thành và bắt người dân phải chịu", ông Sơn nói.

Khi công khai chi tiết hóa, cụ thể hóa từng khoản mục, từng định mức cho từng lĩnh vực tất cả sẽ nhìn thấy đâu là khoản chi vô lý, đâu là khoản chi được phép. Ai chi sai phải chịu trách nhiệm thế nào? Người chịu trách nhiệm là ai....

"Không thể có chuyên chi tới 800 tỷ cắt cỏ trong bao nhiêu năm mà không ai phát hiện, chỉ đến khi một chủ tịch mới lên phát hiện ra, chỉ đạo thì đã tiết kiệm ngay được 700 tỷ".

Thứ ba, là thời gian công bố thông tin ngân sách. Ông Sơn cho biết, ở các nước trên thế giới quy định công khai thông tin về ngân sách là bắt buộc và được đưa vào luật hóa và quy định rất cụ thể, chi tiết về từng điều khoản thực hiện, thời gian, cách thức... Đến đúng thời điểm, cơ quan quản lý lĩnh vực tài chính bắt buộc phải công bố thông tin về ngân sách, không có lý do chưa tổng hợp song thì chưa công bố như ở Việt Nam. Việc chưa tổng hợp song chỉ chứng tỏ cơ quan đó không làm việc và Bộ trưởng phải từ chức.

"Chưa ở nước nào tôi thấy có chuyện đến ngày báo cáo ngân sách lại nói chưa thống kê xong. Ngân sách là công cụ tài chính quan trọng nhất để xây dựng các kế hoạch cung ứng nguồn tài chính cho các hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương mà lại nói là chưa thống kê xong và chúng ta phải đợi?

Nhìn ngay ở Mỹ, việc công khai ngân sách của họ được thực hiện như thế nào. Một khi dự thảo ngân sách của tổng thống đã được trình lên, Quốc hội bắt đầu những tháng dài để xem xét lại dự thảo này. Sau khi tổng thống trình dự thảo ngân sách, và các nhà làm luật đã xem xét cẩn thận, Ủy ban Hạ viện về ngân sách và Ủy ban Thượng viện về ngân sách sẽ soạn cho riêng mình một nghị quyết ngân sách.

Một nghị quyết ngân sách không phải là một văn bản bắt buộc, nhưng nó giống như một kế hoạch chi tiêu. Nó cung cấp khuôn khổ để Quốc hội ra quyết định ngân sách về chi tiêu và thuế. Nghị quyết này còn quy định giới hạn chi tiêu hằng năm tổng thể của các cơ quan liên bang, nhưng không quy định mức các mức cụ thể chi tiêu cho các chương trình riêng biệt.

Sau khi Hạ và Thượng viện thông qua nghị quyết ngân sách của riêng mình, một ủy ban chung sẽ được thành lập để rà soát và thống nhất các điểm khác biệt giữa hai nghị quyết, sau đó sẽ trình lại Hạ và Thượng viện để bỏ phiếu cho nghị quyết ngân sách chung đã được sửa chữa. Khi dự thảo chưa được thông qua ngân sách không được phép chi ra một đồng nào, kể cả việc bắt Chính phủ phải đóng cửa".

Thứ tư, là vấn đề thống kê. Theo ông Sơn, công tác thống kê cũng cần phải đưa vào luật hóa. Thống kê đúng, thông tin công khai ngân sách đúng, thống kê sai, thông tin công khai ngân sách sẽ sai. Do đó, công khai, minh bạch thông tin ngân sách phải được gắn liền với việc chuẩn hóa số liệu thống kê. Không thể có chuyện tùy tiện năm nay đưa ra một con số, sang năm lại đưa ra một con số khác tương đương. Số liệu thống kê phải độc lập, không chịu bất cứ tác động nào.

"Tôi được nghe một câu chuyện, khi Việt Nam đi xin viện trợ ở nước ngoài lập tức nhận được câu trả lời: Thống kê của các bạn nhiều lợn, gà, thóc gạo thế, no đủ vậy sao còn đi xin?". Ông Sơn cho biết, đó là bất cập trong số liệu thống kê là tồn tại mang tính lịch sử, do ai cũng muốn có thành tích, ai cũng chạy theo khen thưởng nên mới có câu chuyện một con lợn 5 người cùng kê khai.

"Từ em thiếu niên cũng thấy khai em nuôi một con lợn, tới ông cụ già 90 tuổi cũng thấy nói tôi nuôi một con lợn rồi lại tới người trung niên cũng nói tôi nuôi con lợn ấy... Cứ vậy, có một gia đình 5 người nuôi 1 con lợn mà được kê khai tới 5 lần thì bảo sao không nhiều, không giàu?", ông Sơn nói.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng việc luật hóa công tác thống kê là rất quan trọng. "Theo nhãn quan của tôi chúng ta chưa có được luật thống kê kinh tế rõ ràng, tất cả mới chỉ là pháp lệnh. Khi công khai ngân sách nhưng chưa được gắn với việc chuẩn hóa số liệu thống kê thì công khai chỉ là cách làm tượng trưng, làm cho có chứ không đem lại được hiệu quả như mông muốn", ông Sơn nói.