(VTC News) - Hôi hàng nhái (giả) tại Bộ KH&CN là hệ quả của việc một thời gian dài sống chung với hôi của thật, một chỉ dấu đạo đức xã hội đã xuống tới đáy.
Chuyện hôi của là tiểu thuyết không có hồi kết, nó xảy ra khắp thế giới, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Cách đây mấy năm (2013), mạng xã hội sôi sục về video clip hôi của tại Đồng Nai khi một xe tải chở bia bị nạn, những két bia văng ra đường, dân xô vào hôi bia mặc cho lái xe van xin.
Nạn nhân giao thông khi ngã xuống đường bất tỉnh nhân sự, tỉnh dậy trong phòng cấp cứu, có khi ngất đi lần nữa vì phát hiện túi xách, giấy tờ tùy thân, tiền, điện thoại…không cánh mà bay.
Xe chở bồn xăng bị lật, lẽ ra phải tránh xa vì nguy cơ cháy nổ, thì dân bất chấp nguy hiểm, mang can, thùng, xô để hút xăng vì miễn phí.
Thế kỷ trước ở Hà Tây, một làng có mấy chục người chết do hôi xăng do đường ống bị vỡ, dân chúng đổ xô đi lấy. Một vị hồi hộp, bật diêm hút thuốc lá và… tất cả hưởng dương đúng vào ngày hôi xăng.
Dư luận cố tìm hiểu tại sao nên nông nỗi hôi của thế này, thiếu ăn, đói rách hay do lòng tham cố hữu của con người.
Thời dân hôi xăng đúng là đói khổ để rồi chết thương tâm, dù không thể hiểu được, nhưng vì đói ăn vụng, túng làm liều.
Nhưng thời nay không ai thiếu tới mức đi hôi bia mang về uống, móc điện thoại di động của người bị tai nạn để duyệt internet. Họ không thể quá nghèo, sắp chết đói, mà phải liều.
Có lẽ nó bắt đầu từ những vụ phong bì cho được việc, cửa quan lấy tiền hối lộ của dân không bị ngăn chặn bởi pháp luật nên cứ biến thái dần, làm thui chột đạo đức xã hội.
Trộm cắp bắt đầu là bao thuốc thời xưa “nhờ anh giúp cho tình cảm”. Tiếp theo là chai rượu, hộp mứt dịp tết, rồi tiến tới phong bì dịp ma chay cưới xin. Trước là tiền Việt, sau đổi thành đô la, và cả kim cương. Ngày nay biến thái thành villa, căn hộ cao cấp, đôi khi cả một khu đất.
Mua chức bán quyền hàng tỷ, dân chỉ dám thì thầm, nhưng không ai dám nói vì không có chứng cứ. Két, bàn làm việc ở văn phòng bị trộm viếng thăm nhưng không dám báo công an. Hiện tượng như Trịnh Xuân Thanh phá hàng ngàn tỷ rồi bỏ trốn không làm ai ngạc nhiên.
Từ hôi ngàn tỷ đến hôi của cỡ vài chai bia hay mấy củ khoai lang là hình ảnh luật pháp không được thượng tôn, đạo đức xuống cấp, vô cảm, dối trá và ô nhục.
Sự hôi của thật lây sang cả hôi của…giả. Ngày 21/10, Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP Hà Nội tổ chức tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Các báo được mời đến đưa tin. Tuy nhiên, có video clip đưa lên mạng cho thấy, khi vị chủ trì công bố vụ tiêu hủy bắt đầu thì người tham dự xô vào hôi hàng nhái có nhãn mác cao cấp như Luis Vuitton, Hermes. Trong số đó có cả nhà báo, cán bộ của Bộ và dân thường.
Tin cho hay, chuyện này từng xảy ra năm 2015 và nay chỉ lặp lại. Người cầm bút không thể là kẻ hôi của vì chữ nghĩa của họ ảnh hưởng đến hàng triệu người. Mang đồ giả do hôi của mà có lại càng không nên.
Vì tiền bạc, đất cát, chức vụ lắm lộc… người ta có thể bất chấp. Người sính ngoại, không đủ tiền lại thích hàng hiệu, đó là thói đạo đức giả, lừa dối người đời và cả bản thân bằng một cái túi LV giá 50$, nếu là hàng hiệu thật thì giá 5.000$. Trong túi chỉ có 50$ tại sao phải sỹ diện mình có gấp 100 lần như thế?
Hôi của thật làm cho đạo đức suy vong. Tới lúc hôi cả của giả kiểu vơ bèo vạt tép như vừa xảy ra tại Bộ KH&CN thì suy vong không còn chỗ để đi tiếp.
Giáo dục từ nhỏ, cha mẹ và người lớn làm gương, nhân viên công quyền liêm chính, xã hội thượng tôn pháp luật, mới mong giảm thiểu được tham ô, hối lộ, trộm cắp. Đương nhiên chuyện hôi của giả và thật cũng ít dần đi.