(Dân trí) - Hơn một năm qua (4/2016) kể từ khi được Quốc hội XIII bầu và phê chuẩn các chức vụ trong Chính phủ, dù còn nhiều việc cần phải làm, nhiều việc cần phải bàn, nhưng không thể nói khác, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang tiến dần tới liêm chính, hành động và gần dân, đặc biệt là ở những vị trí có nhân tố mới, lần đầu chịu trách nhiệm tư lệnh ngành.
Hai chiếc ghế nóng nhất của Chính phủ nhiệm kỳ này hơn một năm qua chắc chắn thuộc về hai Bộ trưởng họ Trần: Trần Hồng Hà và Trần Tuấn Anh.
Vừa mới “chân ướt, chân ráo” nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ trưởng Hà đã phải đối mặt với bài toán chưa từng xảy ra trong tiền lệ: Cả một dãy biển 4 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm trầm trọng.
Bằng nỗ lực cùng với sự phối hợp của các ngành, các cấp, các nhà khoa học với những bằng chứng không thể chối cãi, Bộ TN&MT đã buộc Formosa phải cúi đầu nhận là thủ phạm, xin lỗi Chính phủ và nhân dân cả nước, chấp nhận đền bù.
Nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương đền bù cho ngư dân, cơ cấu lại tổ chức, điều chỉnh qui định tạo điều kiện thông thoáng trong việc làm sổ đỏ là những gì dễ nhận thấy trong sự nỗ lực của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Tương tự như Bộ trưởng Hà, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng phải gánh khối di sản rất nặng nề người tiền nhiệm để lại. Vụ việc ông Vũ Huy Hoàng bị cách chức cùng với một số thứ trưởng bị kỉ luật cũng là chuyện chưa có trong tiền lệ.
Giải quyết vụ việc ông Hoàng có lý, có tình, “có trước, có sau” nhưng vẫn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị là việc không hề dễ. Cùng với vụ việc trên, việc xóa bỏ những qui định gây khó khăn cho doanh nghiệp, cơ cấu lại tổ chức bằng cách giảm từ 35 xuống còn 28 đầu mối và lập lại trật tự bán hàng đa cấp là những nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hơn một năm qua.
Tại Bộ Nội vụ, với sự kiên quyết, công tâm và trách nhiệm trong việc tham mưu để xử lý cán bộ vi phạm của các bộ, ngành và của chính cơ quan bộ này, không khó nhận thấy Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đang chuẩn bị cho một cuộc cải tổ sâu sắc nhằm tinh giản biên chế đội ngũ công chức khổng lồ hiện nay.
Đó là chủ trương sáp nhập một số sở có các tính năng tương tự như Xây dựng với Giao thông, Kế hoạch đầu tư với Tài chính… từ đó, sẽ mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.
Có thể nói, đây là cách duy nhất có tính khả thi cho việc tinh giản biên chế bởi việc đặt ra chỉ tiêu 5 hay 10% mỗi năm là không hiệu quả và thực tế đã chứng minh điều này.
Ở bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt ra ba mục tiêu lớn đã và đang từng bước mang lại hiệu quả.
Thứ nhất là tái cơ cấu mô hình sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Thứ hai, xây dựng mô hình Nông thôn mới và thứ ba, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.
Trong đó, việc thứ ba chưa có tiền lệ và vô cùng quan trọng bởi nông dân Việt Nam có ba điểm yếu. Một là ít có kiến thức và kinh nghiệm thương trường. Hai, thiếu vốn và ba, ít có điều kiện tiếp cận khoa học, kỹ thuật. Vì thế, việc kết gắn doanh nghiệp với nông dân là để nhằm tháo gỡ những khó khăn này và có như thế mới có thể “tham chiến” trên thương trường quốc tế.
Tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thay đổi qui chế thi, xây dựng bộ chương trình và sách giáo khoa mới, ý tưởng bỏ chế độ công chức, viên chức trong giáo viên.
Ở Bộ LĐ,TB&XH là nỗ lực giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động ra nước ngoài, giải quyết tồn đọng trong chính sách người có công và các đối tượng được hưởng từ chính sách, nhất là việc thanh lọc hồ sơ giả để trục lợi….
Trên đây chỉ là những nét chính, có tính khái lược những gì mà một số vị “tư lệnh” mới đã làm trong một năm qua. Không thể nói khác, những nỗ lực của các cơ quan trên và tất cả các bộ, ngành trong Chính phủ thời gian qua rất đáng ghi nhận. Nó là minh chứng thuyết phục nhất cho một Chính phủ liêm chính, hành động, tất cả vì dân mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hằng tâm huyết từ ngày đầu nhậm chức.
Song, thực tế cho thấy sự chuyển động này chỉ thấy rõ ở Trung ương, vẫn còn nhiều địa phương trì trệ. Cuộc sống như một đoàn tàu, đầu tàu mạnh đến mấy mà các toa tàu không chuyển động thì cũng khó có thể đi nhanh.
Trong khi cuộc sống đòi hỏi nhiều hơn nữa, nhân dân đòi hỏi cao hơn nữa và vì thế, mong rằng Chính phủ và các thành viên Chính phủ nỗ lực cao hơn nưa, nhiều hơn nữa, nhất là tạo sự lan tỏa đến các cấp cơ sở. Thời gian hơn một năm chưa phải là dài nhưng cũng không là ngắn bởi thấm thoát đã gần 1/3 nhiệm kỳ, mà thời gian vốn không biết đợi chờ…