Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Xem xét từ chối vận chuyển vô thời hạn 2 hành khách đánh nữ nhân viên hàng không

Tô Hà

(NLĐO) - Việc từ chối vận chuyển vô thời hạn 2 nam hành khách đánh nữ nhân viên hàng không ở Nội Bài có thể được áp dụng để ngăn ngừa sự nguy hiểm, rủi ro đối với các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Nguồn tin của Báo Người Lao Động sáng nay 24-10 cho biết Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang giao các bộ phận chức năng xem xét khả năng ra quyết định từ chối vận chuyển vô thời hạn áp dụng trên toàn hệ thống đối với 2 hành khách đánh nữ nhân viên hàng không N.L.Q.A. ngày 18-10 vừa qua tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Căn cứ để ra quyết định là theo Điều lệ vận chuyển của hãng. Cụ thể, Điều 8.1 Điều lệ vận chuyển của Vietnam Airlines nêu rõ hãng từ chối vận chuyển bất cứ hành khách nào có hành vi làm mất trật tự công cộng, uy hiếp an toàn bay hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.

Một cán bộ phụ trách an ninh của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết theo quy định của pháp luật, hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển hành khách trên một chuyến bay cụ thể hoặc trên tất cả các chuyến bay của hãng (từ chối vận chuyển vĩnh viễn) nếu xét thấy hành khách đó có thể gây ra sự nguy hiểm, rủi ro cho các chuyến bay của hãng hàng không đó.

Hiện nay, 2 khách Đào Vịnh Thuấn và Trần Dương Tùng, là 2 hành khách đã có hành vi đánh nữ viên hàng không N.L.Q.A. tại sân bay Nội Bài ngày 18-10 vừa qua, đang bị cấm bay theo quyết định của Cục HKVN. Quyết định này được áp dụng đối với tất cả các hãng hàng không nội địa và nước ngoài có chuyến bay đi/đến Việt Nam. Trong trường hợp Vietnam Airlines có quyết định từ chối vận chuyển vô thời hạn đối với ông Tùng và ông Thuấn thì khi Quyết định cấm bay của nhà chức trách hàng không hết hiệu lực, 2 hành khách này có thể bay với các hãng hàng không khác nhưng không được sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống của Vietnam Airlines, bao gồm Jetstar Pacific Airlines, Vasco và Angkor Air (hãng hàng không Campuchia có cổ phần của Vietnam Airlines).

Liên quan vụ việc đánh nữ nhân viên hàng không Q.A., theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, ngay trong đêm xảy ra vụ đánh nữ nhân viên hàng không (đêm 18-10), ông Thuấn và ông Tùng vẫn tiếp tục hành trình bay vào TP HCM trên chuyến bay lúc 23 giờ 40 phút của một hãng hàng không khác và trở lại Hà Nội đêm hôm sau (19-10), trước thời điểm Cục Hàng không Việt Nam ra quyết định cấm bay.

Theo điều 146 Luật Hàng không dân dụng, hành khách bị từ chối vận chuyển trong các trường hợp như có hành vi làm mất trật tự công cộng, uy hiếp an toàn bay hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Ngoài ra, việc từ chối vận chuyển xảy ra trong trường hợp vì lý do an ninh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ở đây, do cơ quan chức năng không có quyết định cấm bay hoặc yêu cầu tạm thời không vận chuyển đối với 2 vừa có hành vi đánh người nên ông Tùng và ông Thuấn vẫn có thể mua vé đi trên chuyến bay khác.

Một chuyên gia đang làm việc trong ngành phân tích rằng trong hoạt động hàng không, việc cấm bay hoặc từ chối vận chuyển được đặt ra cho một số đối tượng nhằm ngăn ngừa sự nguy hiểm mà đối tượng đó có thể gây ra hoặc tiếp tục gây ra cho hoạt động hàng không.

Như vậy, vấn đề đặt ra là 2 hành khách này vừa có hành vi vi phạm, có tính chất côn đồ, gây hoang mang cho cán bộ, nhân viên hàng không ở sân bay nhưng ngay sau đó vẫn được lên máy bay tức là sự nguy hiểm mà 2 hành khách này có thể tiếp tục gây ra chưa được loại trừ. “Từ khi vi phạm đến khi bị cấm bay, 2 hành khách này vẫn kịp đi 1 chặng khứ hồi Hà Nội-TP HCM là chuyện đáng phải suy nghĩ. Ông Tùng đã nói sẵn bực tức vì bị lỡ chuyến bay nên đánh cô Q.A khi thấy cô này quay clip, vậy lấy gì bảo đảm sau đó đi chuyến khác ông ta không giở thói côn đồ nếu ai đó làm ông ta bực mình. Cần làm rõ ở đây có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng hay không”-chuyên gia này đặt vấn đề.

Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cho rằng việc Cảng vụ Hàng không miền Bắc bàn giao vụ nhân viên hàng không bị đánh cho Đồn Công an sân bay quốc tế Nội Bài là đúng nhưng có phần cứng nhắc khi sau đó không có phối hợp với cơ quan công an, để cho khách vẫn tiếp tục được bay ngay sau đó.