Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Đã tranh, cướp thì… khó đẹp!

Cát Thụy

(Dân trí) - Nói thế để thấy, phải có cách tiếp cận khác trong vấn đề quản lý, tổ chức lễ hội, nói đúng hơn là trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống trong các lễ hội dân gian Việt Nam hiện nay.

Nói thế cũng là để thấy, muốn các lễ hội được diễn ra tôn nghiêm, văn minh, đẹp mắt đúng như tinh thần thông điệp văn hóa mà nó truyền tải, vấn đề không chỉ nằm ở ý thức của người đi hội mà còn nằm ở trách nhiệm của giới chuyên môn làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản truyền thống – những nhà nghiên cứu, tổ chức, quản lý lễ hội.

Bắt đầu từ ngày mùng 6 Tết năm nay, khi hàng loạt lễ hội tại chùa Hương, đền Gióng, đền Hai Bà Trưng, Cổ Loa… đồng loạt khai trương mở đầu cho mùa lễ hội năm 2017, ngay lập tức hình ảnh dòng người dẫm đạp, xô đẩy đến bơ phờ tại chùa Hương và đền Gióng (Sóc Sơn) để giành lộc lại được ghi lại. Cho dù những năm gần đây, hiện tượng này đã giảm do bị dư luận lên án và lực lượng chức năng đã tuyên truyền vận động khắc phục hoặc tìm cách ngăn chặn.

Tại hội Gióng (ở xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội), tuy không còn cảnh cướp lộc trước cả khi tiến hành lễ như năm 2015 hay xô đẩy nhau làm vỡ cả lư hương của đền Mẫu như năm 2016, nhưng cảnh hàng trăm người chen lấn hỗn loạn để cướp lộc hoa tre sau tiếng hô “cướp” theo tục lệ vẫn tái diễn.

Tại lễ hội chùa Hương cũng xảy ra cảnh, do lượng người quá đông, một nhà sư đã có sáng kiến đứng lên cao và tung những chiếc vòng cho khách thập phương. Rất nhanh, biển người đã xô vào giành giật, tranh cướp tạo ra cảnh hỗn loạn phản cảm trong gần 30 phút.

Hiện tượng phản cảm trong cảnh cướp lộc, phết, ấn, chiếu… cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác dù mức độ có khác nhau, dù các nhà chức trách đã cố gắng rất lớn để khắc phục.

Mở đầu các mùa lễ hội luôn có công văn của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội để chỉ đạo cụ thể các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương.

Ban tổ chức các lễ hội lớn cũng thường xuyên huy động tới hàng trăm công an và tình nguyện viên phối hợp cùng các lực lượng chức năng giữ trật tự. Lực lượng công an có mặt từ sớm để phối hợp cùng ban tổ chức đảm bảo an ninh. Như trong hội Gióng, suốt dọc con đường nơi đoàn rước kiệu đi qua đều có mặt lực lượng an ninh túc trực, liên tục tuyên truyền tới người dân về việc giữ gìn trật tự. Tình nguyện viên mặc lễ phục kết hợp cùng lực lượng công an đã tạo thành hai lớp bảo vệ, ngăn cách người xem với đoàn rước, nhưng rồi cảnh xô đẩy tranh cướp đầy bạo lực vẫn diễn ra.

Thực ra, trong một đám đông để cướp được thì phải tranh, nếu không thì khó đến lượt, mà đã tranh nhau thì chuyện chen lấn, xô đẩy, giành dật là điều không tránh khỏi. Số người tham gia càng đông thì tình trạng hỗn loạn và nguy cơ gây xung đột, mất an toàn càng tăng. Cảnh tượng cướp lộc, chiếu, ấn, phết… của người xưa có lẽ cũng không tránh khỏi mất trật tự.

Lễ hội dân gian của thưở dân số mới 20 – 30 triệu người (thậm chí ít hơn thế) với thời lên đến 90 triệu người, phải có những điểm khác. Lễ hội dân gian thưở được coi là những hoạt động tín ngưỡng tâm linh tôn nghiêm, huyền bí với thời được coi là hoạt động bảo tồn di sản đồng thời là một sản phẩm du lịch (thời mà ngành kinh tế du lịch là một ngành mũi nhọn), sẽ phải có điểm khác.

Đâu là lễ? Đâu là hội? Là sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng, kịch bản nào đủ để kết hợp được nét đẹp trong văn hóa truyền thống với các yếu tố không gian, tâm lý hiện đại? Kịch bản nào để vừa phát huy được tác dụng tích cực của lễ hội, nêu cao được ý nghĩa của việc bảo tồn, giáo dục truyền thống; vừa hấp dẫn, lôi cuốn được du khách?

Chỉ bảo tồn mà không phát huy được (thậm chí còn làm mất đi) nét đẹp truyền thống là cách làm chưa chính xác. Giải pháp tăng cường lực lượng công an, trật tự và tình nguyện viên; nâng cao nhận thức của người dân… là không đủ. Một kịch bản hợp lý cho từng lễ hội có lẽ là cách có hiệu quả nhất để đảm bảo rằng các lễ hội sẽ không còn cảnh tranh cướp phản cảm và mất an toàn.