Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Thị trường đất nền ở Đà Nẵng đang bị “đột quỵ”?

Hồ Xuân Mai

VietTimes – Thị trường đất nền Đà Nẵng sau cú “lên cơn” thì đột ngột “đột quỵ” khiến cả giới môi giới lẫn đầu lo lắng và liệu sự kiện pháo hoa quốc tế và APEC có giúp giá đất nền ở Đà Nẵng trụ lại.

“Đột quỵ” sau cú “lên cơn”!

Cuối năm 2016 và quý 1/2017 thị trường BĐS Đà Nẵng chứng kiến “cơn sốt” đất nền được ví như Đà Nẵng đang trở lại thời hoàng kim của đất nền, thì bất ngờ quý 2/2017, thị trường BĐS Đà Nẵng lại chứng kiến bằng cơn “tự kỷ” trái chiều, trầm lắng và yên ắng một cách đột ngột. Thậm chí tình trạng này được giới môi giới coi như cơn “đột quỵ” của đất nền vì sự đảo chiều bất ngờ, khó lường trước. Song đối với một số chủ đầu tư lớn thì đây là xu hướng đã được lường trước, song không nghĩ lại đến nhanh đến như vậy.

Tại các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn Đà Nẵng, hoạt động mua bán, hay mở bán dự án mới hầu như án binh bất động, các nhân viên môi giới nhìn nhau cho hết ngày, lên để điểm danh chứ không giành giật, mua bán như cảnh tượng cách đây vài tháng. 

Bất ngờ vì những diễn biến chóng vánh của thị trường, anh Hoàng Đăng, một nhà đầu tư cho biết: “Không thể tin được mới nhộn nhịp đây mà bây giờ đã yên ắng thế này. Sôi động cũng nhanh mà dừng lại cũng gấp không kém. Không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu nữa, và mất bao lâu mữa mới sôi động trở lại”.

Các sàn là vậy, tại hiện trường các dự án đất nền cũng trầm lắng không kém, lượng người đổ về để xem đất thưa thớt khiến giới đầu cơ cũng như môi giới ngán ngẫm. Các ki ốt hay các phòng giao dịch tại hiện trường cũng vắng bóng người, thậm chí đóng cửa im ỉm. 

“Cái này có thể gọi là đột quỵ chứ không là trầm lắng, vì trầm lắng cần có thời gian, giảm dần của các giao dịch. Còn đây làm cái rẹc, đứng yên”, anh Đăng chia sẻ.

Về nguyên nhân của hiện tượng này, nhiều chuyên gia cho rằng có thể do tình trạng đẩy giá quá nhanh trong thời gian qua đã làm sức mua của người mua cạn kiệt và thị trường cần nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, quy luật hình sin của thị trường khiến đất nền ở Đà Nẵng chựng lại cũng hợp lý. “Có lên thì có xuống, sau sôi động thì sẽ trầm lắng, nhưng không nghĩ rằng chu kỳ nhanh đến vậy. Hiện tượng này chỉ mang tính thời điểm, ngắn hạn cần thiết để thị trường nghỉ ngơi sau những biến động đa chiều của thời gian qua”, anh Kiến, một nhà đầu tư thứ cấp chia sẻ.

Một lý do nữa được giới buôn đất đưa ra để lý giải cho hiện tượng này là người mua đã bắt đầu dè chừng đối với các dự án đất nền. Nhất là các dự án theo thông báo của cơ quan chức năng Đà Nẵng, hay những tranh chấp về mặt thủ tục pháp lý của các dự án mà báo chí nêu trong thời gian qua khiến người mua dè dặt hơn.

Không chỉ vậy, nguyên nhân được giới đầu tư đưa ra và mang tính quyết định dẫn đến hiện tượng “đột quỵ” này là do sức mua của người dân bị cạn kiệt do cơn lốc giá đẩy cao dồn dập khiến người mua không còn sức. “Một lô đất ở Nam cầu Nguyễn Tri Phương vào giữa năm 2016 có giá chừng 600-800 triệu đồng/lô, nhưng đến đầu năm 2017 đã lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. 

Ở đây tăng, chỗ khác cũng tăng, từ khu đô thị phía Nam Đà Nẵng đến Tây Bắc, rồi tại khu vực trung tâm TP cũng kéo theo lên vùn vụt trong thời gian ngắn khiến người mua kiệt sức và thị trường buộc phải đứng chựng lại. Trong khi đó, xu hướng bất động sản ở 2 đầu cũng có những diễn biến không mấy khả qua khi lượng cung quá lớn, sức mua giảm”, anh Nam, một nhà đầu cơ cho hay.

Pháo hoa hay APEC cũng chỉ là “liều thuốc”!

Mặc dù trầm lắng, nhưng giá đất nền tại Đà Nẵng được ghi nhận là không xuống giá, nếu có chỉ là tăng chiếc khấu, hoa hồng từ phía môi giới. Và rất ít người bán hạ giá để xả hàng nên thị trường vẫn tiếp tục yên ắng. 

“Đó là mức hoa hồng, chiếc khấu từ môi giới với mong muốn bán được nhanh hơn. Và để bán được, có chi phí trang trãi, các môi giới giảm phần này với hy vọng giao dịch thành công chứ mức giá bán từ người dân vẫn không giảm nhiều như quy luật chung. Nếu có giảm và giảm sâu thì chỉ đối với một số vị trí liên quan đến quy hoạch các công trình lớn của Đà Nẵng như hầm chui bị giảm do tự giới đầu cơ “bơm lên” nhằm đón đầu kiếm lời và phải trả giá là tất yếu”, anh Phương chia sẻ.

Một số thông tin cho rằng giới đầu cơ đứng ngồi không yên, giảm giá sâu để xả hàng, cắt lỗ là thiếu chính xác. “Nếu có những hoạt động bán mua diễn ra chủ yếu là của người dân, khi ngày xưa họ mua rẻ, nay thị trường đứng, họ bán ra để chốt lời, lấy tiền làm việc khác và muốn bán nhanh thì họ giảm giá. Chứ chưa có chuyện đầu cơ giảm giá để cắt lỗ”, anh Huy Lan, một môi giới phân tích.

“Bởi lẽ, việc thị trường đứng chựng lại chỉ mới 1 tháng nay, như vậy chưa đủ để nhà đầu cơ “chết”. Hơn nữa, bán ở thời điểm này sẽ cũng chẳng ai mua, nếu có thì các môi giới, cò mua lại chờ thời cơ bán ra, mà bán cho cò thì giá sẽ bị ép. Nên nếu bán ở thời điểm này thì đó là sai lầm mà giới đầu cơ chẳng dại.

Trong khi đó, sự kiện pháo hoa cũng chỉ mới diễn ra chừng 20 ngày, sự kiện APEC vẫn còn phía trước. Và từ đây đến đó chỉ tầm 6 tháng thì việc xả hàng cắt lỗ sẽ chẳng ai nghĩ đến khi chơi đất nền. Và xả hàng cắt lỗ là quyết định dại dột, tự giết mình, không chỉ vậy sẽ kéo theo những diễn biến xấu. Trong khi cơ hội từ APEC vẫn còn đó, thậm chí được xem là ngàn năm có một thì việc đầu tư cho một cơ hội sinh lời khả quan là điều cần làm chứ không thể bỏ qua”, giới môi giới đánh giá.

Một tham chiếu nữa được giới đầu cơ đưa ra để nói thị trường chuyển xấu hay chưa thì cần nhìn vào lãi suất ngân hàng. Hiện tại, lãi suất tiền gửi ngân hàng dao động dưới mức 7%/năm thì BĐS vẫn là kênh đầu tư tốt. Nên có thể, đây là giai đoạn nghỉ xả hơi để thị trường dồn sức cho giai đoạn mới mức.

Như vậy, lễ hội pháo hoa hay sự kiện APEC cũng có thể là liều thuốc giúp BĐS đất nền Đà Nẵng qua cơn “đột quỵ”. Tuy nhiên, thuốc thì vẫn là thuốc, điều quan trọng là “sức khỏe” của thị trường mới vực dậy được. Mà điều đó phụ thuộc vào giới đầu cơ và người mua. Có đủ khỏe để vượt qua hay không vẫn chờ những tín hiệu từ thị trường.

Và giới môi giới vẫn âm thầm mua lại đất nền của người dân với giá hợp lý để chờ cơ hội trở lại từ thị trường...