Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

“Cửa sổ vỡ” và những mắc mứu giữa cảnh sát Mỹ với người dân

VNN - Xung quanh những mắc mứu giữa cảnh sát Mỹ với người dân Mỹ, một số người nói rằng vấn đề nằm ở việc thực hiện chính sách tuần tra “cửa sổ vỡ”, một cách tiếp cận để thực thi pháp luật dựa trên một lý thuyết cho rằng việc trấn áp các tội phạm nhỏ giúp ngăn ngừa những tội ác lớn hơn.

Để hiểu rõ hơn về câu chuyện này, Tuần Việt Nam đã đăng tải lại bài phân tích trên tờ The Economist. Mời đọc giả cùng theo dõi.

Vào tháng 7/2014, một người đàn ông da đen không vũ trang tên là Eric Garner đã chết dưới tay của một sĩ quan cảnh sát sau khi được cho là đã phản kháng việc bắt giữ. Garner bị cáo buộc là đã bán thuốc lá lậu trên một góc phố ở Đảo Staten.

Cái chết của anh ta, cùng với cái chết của những người da đen không vũ trang khác bị cáo buộc phạm các tội tiểu hình dưới tay các nhân viên cảnh sát da trắng, đã làm dấy lên câu hỏi về chiến thuật của cảnh sát. Một số người nói rằng vấn đề nằm ở việc thực hiện chính sách tuần tra “cửa sổ vỡ”, một cách tiếp cận để thực thi pháp luật dựa trên một lý thuyết cho rằng việc trấn áp các tội phạm nhỏ giúp ngăn ngừa những tội ác lớn hơn.

Những người chỉ trích cho rằng hiệu quả của chính sách này có tính phân biệt đối xử, bởi vì cảnh sát nhìn chung có xu hướng nhắm vào các mục tiêu không phải là người da trắng. Những người bảo vệ chính sách này như Bill Bratton (ảnh trên), Giám đốc Cục Cảnh sát New York (NYPD), và George Kelling, người khởi xướng lý thuyết ban đầu, lại bênh vực cho lý thuyết này và xem đó là lý do tại sao tội phạm giảm mạnh ở nhiều thành phố. Vậy, chính xác thì chính sách tuần tra “cửa sổ vỡ” là gì, và nó có thực sự là nguyên nhân làm giảm tội phạm hay không?

Thuật ngữ “cửa sổ bị vỡ” được đưa ra vào đầu những năm 1980 bởi Kelling, một nhà tội phạm học, và James Wilson, một nhà khoa học xã hội. Lý thuyết này chỉ ra rằng khi cửa sổ của một tòa nhà bị đập vỡ và để nguyên không sửa chữa, các cửa sổ còn lại cũng sẽ sớm bị đập vỡ. Họ lập luận rằng một tấm cửa sổ vỡ không được sửa chữa là một tín hiệu rằng không ai quan tâm [đến điều đó], và do đó việc đập vỡ nhiều cửa sổ hơn sẽ không gây nên bất cứ chi phí nào.

Sâu xa hơn, họ nhận thấy rằng trong các môi trường mà hành vi gây mất trật tự không được kiểm soát – khi gái mại dâm công khai tiếp thị dịch vụ của mình hoặc khi ăn mày níu kéo người qua đường – thì những tội phạm đường phố nghiêm trọng hơn cũng sẽ gia tăng nhanh. Lý thuyết này được hỗ trợ bởi một số thí nghiệm chọn mẫu ngẫu nhiên.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Groningen ở Hà Lan đã phát hiện ra rằng khả năng một người ăn cắp một phong bì chứa đầy tiền sẽ cao gấp hai lần nếu nó thò ra ngoài một hòm thư có hình vẽ graffiti. Kelling và Wilson chỉ ra rằng ý nghĩa của điều này đối việc việc thực thi pháp luật là ở chỗ khi nhân viên cảnh sát giữ đường phố trật tự, và trừng phạt thậm chí là những dấu hiệu nhỏ của các hành vi sai trái bằng cách cảnh cáo hoặc bắt giữ, thì mọi người sẽ hành xử một cách có trật tự hơn.

Khi lý thuyết “cửa sổ vỡ” được công bố lần đầu, tội phạm thành thị là một vấn đề dường như không thể kiểm soát được ở Mỹ và trên toàn thế giới. Nhưng trong hai thập niên vừa qua tội phạm đã giảm với tốc độ khác thường. Sự thay đổi này diễn ra đặc biệt sâu sắc ở thành phố New York, nơi mà tỷ lệ giết người giảm từ 26,5 trên 100.000 người vào năm 1993 xuống còn 3,3 trên 100.000 người vào năm 2013 – thấp hơn so với mức trung bình của quốc gia. Rất nhiều lý thuyết đã được xây dựng để giải thích việc sụt giảm này, nhưng quyết định của thành phố trong việc nghiêm túc giải quyết tội phạm nhỏ chắc chắn đóng góp một phần.

Khi Bratton là người đứng đầu đội cảnh sát tuần tra giao thông công cộng (transit police) ở New York vào năm 1990, ông ra lệnh cho các sĩ quan của mình bắt giữ càng nhiều những người đi lậu vé càng tốt. Họ phát hiện ra rằng cứ bảy người bị bắt thì có một người đang bị truy nã về các tội danh khác, và cứ hai mươi người thì có một người mang theo dao, súng hoặc vũ khí khác. Trong vòng một năm, tội phạm trên tàu điện ngầm đã giảm 30%.

Năm 1994, Rudy Giuliani, người được bầu làm thị trưởng New York sau khi hứa hẹn sẽ “dọn sạch” các đường phố thành phố, đã bổ nhiệm Bratton làm Giám đốc NYPD. Mở rộng các bài học từ khu vực tàu điện ngầm, Bratton thấy rằng việc xử lý các hành vi phạm tội nhẹ, chẳng hạn như sở hữu súng bất hợp pháp, giúp giảm cơ hội phát sinh tội phạm. Trong vòng bốn năm, thành phố đã chứng kiến số vụ nổ súng giảm hai vụ mỗi ngày.

Chính sách tuần tra cảnh sát kiểu “cửa sổ vỡ” được cho là đã giúp làm giảm tội phạm. Nhưng các yếu tố khác cũng đã góp phần. Nhiều sở cảnh sát, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đã có tiến bộ trong việc sử dụng dữ liệu để xác định các điểm nóng tội phạm và tập trung vào các nguồn tội phạm một cách hiệu quả hơn. Sự sụt giảm mạnh về tội phạm cũng trùng với thời điểm chấm dứt đại dịch crack-cocaine, công nghệ an ninh được cải thiện (việc ăn cắp một chiếc ôtô giờ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết) và hàm lượng chì trong không khí giảm, điều mà một số nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm các hành vi bốc đồng.

Tuy nhiên, chính sách cảnh sát kiểu “cửa sổ vỡ” cũng đã nhận được những chỉ trích nghiêm trọng, với việc một số người nói rằng nó làm tăng xích mích giữa cảnh sát và người dân, đặc biệt là ở các khu vực nghèo và thiểu số. Những khu phố như vậy thường có xu hướng nhận được sự chú ý quá mức của cảnh sát, một phần vì họ gặp phải nhiều hành vi phạm tội hơn: mặc dù người da đen và gốc Tây Ban Nha chiếm 53% dân số thành phố New York vào năm 2013, họ chiếm đếm 83% số nạn nhân trong các vụ giết người. Nhưng cũng có những dấu hiệu phân biệt chủng tộc. Ví dụ, việc có bằng chứng cho thấy các vụ bắt giữ ma túy gây nên những chi phí lớn với người nghèo và người thiểu số đã khuyến khích NYPD nới lỏng chính sách quản lý cần sa hồi tháng 11/2014.

Nhưng bất chấp các khiếu nại về thực thi không công bằng và thành kiến về chủng tộc, một phần lớn cư dân New York – cả người da đen và da trắng – vẫn nói rằng họ muốn an ninh được duy trì thông qua chính sách cảnh sát “cửa sổ vỡ”.

Theo The Economist