SOHA - Miền Trung vừa qua cơn bão lũ kinh hoàng, mấy chục người chết, mấy tỉnh thành biển nước. Thêm vào đó là cơn bão mạng xã hội với cấp độ cao hơn nhiều cơn bão thật đổ xuống đầu thủy điện.
Bão mạng xã hội
Mạng xã hội Việt Nam luôn nóng theo sự kiện. Hà Nội định chặt cây xanh thì cả làng lên án. Của đáng tội, họ không sai khi biết cây đáng chặt, tỉa cành thì không làm, cứ nhằm cây khỏe, to, bán được gỗ, mà cưa đổ. Mang đi đâu cũng không rõ, hết bao tiền trồng lại không ai hay. Mạng có lý.
Rồi tuần sau giông bão, cây đổ chết người, bẹp xe. Mạng lại ầm ỹ, bảo chặt hết cây thì làm sao người chết. Theo nhóm này, vì cây đổ nguy hiểm, thành phố không cần cây xanh.
Mấy tuần trước xảy ra vụ một em bé đi xe đạp, mải đùa vui, lao vào cái xe ba gác đang chở tôn, bị thương vào cổ và không thể cứu được. Hà Nội ra quân chặn xe ba gác và mạng sôi sục đòi "chém" hết xích lô, ba gác, xe thương binh.
Không ai nghĩ đến việc nhắc nhở nhà trường, ông bố và bà mẹ của đứa trẻ vì thiếu bảo ban con. Lẽ ra cháu 9-10 tuổi cần được học về an toàn trên đường, được dạy về kỹ năng tối thiểu để tồn tại.
Lên 9-10 chưa là lứa tuổi được đi xe đạp một mình mà không có người lớn đi kèm. Bên Mỹ họ xử ông bố trước vì tội thiếu cẩn trọng với con trẻ.
Trẻ em đi chơi chết đuối thì ít người lên án bố mẹ không biết dạy con bơi mà lẽ ra ở một nền văn minh lúa nước thì trẻ đẻ ra phải biết bơi, giống như con các ngư phủ.
Hầu hết chỉ truy tìm nguyên nhân ở ngọn mà không truy ra cái gốc của vấn đề. Giải quyết tận gốc rễ mới mong hết thảm họa.
Thủy điện lên thớt
Xem qua mạng xã hội thấy tràn ngập những hình ảnh đau thương của miền Trung gồng mình trong mưa lũ. Nhà ngập tới mái, trẻ em người già leo lên nóc đợi vô vọng trong biển nước mênh mông.
Và mạng xã hội lại tìm ra được một tội đồ để chửi, đó chính là thủy điện. Thủy điện nhỏ, thủy điện lớn ở đầu nguồn, rừng và môi sinh bị tàn phá, mưa to chút là lũ quét tràn về.
Tin truyền thông cho hay, huyện Hương Khê diện tích 1200km với hơn 100 ngàn dân bị trời gây tai họa và tiếp sau là thủy điện hại. Thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ, chỉ kịp báo cho dân trước một giờ. Có 12 trong 16 xã của huyện bị chìm trong nước, 5000 nhà bị ngập tới 2-3 mét.
Hồ Kẻ Gỗ cũng đang xả lũ và những năm trước đâu đó, cứ bị mưa to, mưa lâu, là có chuyện xả lũ của thủy điện. Dân kêu thấu trời, nhưng rồi đâu lại vào đó. Xả lũ lại hẹn mùa sau, có khi thảm họa hơn.
Thế là có lời kêu gọi, hãy xóa sổ thủy điện trên diện rộng. Tai ương đã quá nhiều, không thể để EVN tạo ra những thủy quái là những con đập khổng lồ chặn sông và biến thành những quả bom nước đổ vào đầu dân nghèo mỗi khi mưa bão đến.
Một người làm việc lâu năm trong ngành điện lực đã tính toán như sau. Dung tích của Hố Hô là 13 triệu m3. Trong hai ngày 13 và 14-10, tổng lượng mưa lên tới 1,5m. Trên diện tích 1200km2 của Hương Khê thì lượng nước trời đổ xuống khoảng 1,5-1,7 tỷ m3. 35 triệu m3 từ Hố Hô so với 1,5 tỷ m3 ngang bằng cốc nước đổ vào thùng phi.
Hố Hô xả lũ đúng vào thời điểm mưa to như đổ dầu vào lửa, dễ làm người ta suy đoán đâu là tội đồ. Tuy nhiên, EVN và các nhà khoa học không đưa ra được một số liệu thuyết phục nào để nói rằng, thủy điện không phải là nguyên nhân chính gây ra lũ lụt miền Trung.
Thủy điện có phải là lỗi lầm chính?
Không thể đổ hết cho thủy điện. Mà hãy đổ cho bên quản lý thủy điện, đổ cho ông giời, đổ cho sự phát triển, đổ cho sự biến đổi khí hậu và trái đất nóng dần lên và đổ cho tất cả những ai có dùng đồ điện trong nhà, sử dụng vật dụng được sản xuất bởi sự có… điện.
Mấy chục năm về trước, mỗi khi mùa nước lũ, cả Hà Nội như đang ngồi trên đống lửa. Nước sông Hồng lên mấp mé, chỉ cần vỡ đê, toàn bộ Thủ đô chìm sâu hơn Hương Khê rất nhiều, thảm họa khôn lường.
Năm 1971, Nixon dự định ném bom phá đê sông Hồng, gây ra lụt lội cho Thủ đô và Bắc Việt phải đầu hàng. Nhưng làm thế là phạm tội chống nhân loại, những kẻ điên rồ đã không dám.
Từ khi có thủy điện Sông Đà và sau này là Sơn La, nam thanh nữ tú Hà Nội bỗng nhớ cảnh nước lụt khi xưa vì họ từng lên đê sông Hồng để ngắm nước đỏ phù sa. Bây giờ thành kỷ niệm, sông Hồng trơ đáy cả vào mùa mưa.
Nói thế để biết, thủy điện đã giúp trị thủy cho đồng bằng, cho dù cũng mang lại không ít hiểm họa cho môi sinh, rừng thượng nguồn bị phá, hạ nguồn không có phù sa tưới tiêu, tôm cá ít đi. Dân phía trên đập phải di chuyển, dân phía dưới lo nơm nớp, không biết khi nào "thằng thủy điện xả lũ".
Thủy điện và phát triển
EVN cho hay, Việt Nam là một trong số 14 quốc gia trên thế giới có tiềm năng lớn về thủy điện. Với hơn 2.372 sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục và dài hơn 10km, tiềm năng thủy điện khoảng 35.000 MW trong khi khả năng khai thác được khoảng 26.000 MW (tương đương khoảng 100 tỷ KWh/năm).
Theo báo cáo thường niên 2014-2015 của EVN, tổng công suất đến cuối năm 2014 là 34.058 MW, xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 31 trên thế giới. Trong đó, thủy điện đứng đầu bảng với công suất 13.689MW, chiếm tới 40,2% công suất của toàn lưới điện quốc gia, không kể thủy điện nhỏ và diesel chiếm 5,2%.
Năm 2015, thủy điện toàn thế giới sản xuất 16,6% sản lương điện và 70% là năng lượng điện tái tạo. Thủy điện sẽ tăng đều 3,1% hàng năm trong 25 năm tới.
Như vậy, thủy điện không thể thiếu tại Việt Nam cũng như ở tầm toàn cầu trong những thập kỷ tới.
Thử tưởng tượng EVN cắt điện nửa ngày mỗi ngày vì thủy điện không còn. Sẽ là thảm họa cho kinh tế và cuộc sống, mạng xã hội lại gào lên "thủy ơi, điện ơi".
Người Amish bên Mỹ sống như thời nguyên thủy, không cellphone, không máy tính, dùng nước giếng và không dùng điện. Chắc chắn người Việt sẽ không có ai muốn như vậy.
Không thể vì cây đổ chết người mà đốn hết cây trên phố. Không thể vì trẻ em vô ý lao vào xe ba gác mất mạng mà cấm xe đó lưu thông. Không thể vì tắc đường mà cấm xe máy. Cũng như thế, thủy điện phải được giải oan trước cơn bão của mạng xã hội.
Gốc gác vấn đề ở hai chữ "quản lý". Và giải pháp nằm ở chiến lược dài hạn, có tầm nhìn xa hàng thế kỷ cho phát triển, chứ nhất định không thể do các anh hùng bàn phím quyết định.