BizLIVE - "Kết cấu hạ tầng đường sắt ở nước ta đang lạc hậu, xuống cấp, phần lớn được đầu tư từ hơn trăm năm trước; đường đơn khổ rộng 1 mét như nước ta trên thế giới hầu như không dùng nữa...", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nói khi cho ý kiến về dự án Luật đường sắt (sửa đổi).
Chiều 12/8, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật đường sắt (sửa đổi).
Tờ trình của Chính phủ cho biết, qua thực tế thi hành, Luật đường sắt (sửa đổi) đã bộc lộ một số tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật đường sắt sửa đổi để xây dựng dự án Luật đường sắt (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với 9 chương, 95 điều. Trong đó, giữ nguyên 4 điều; sửa đổi, bổ sung 65 điều; bãi bỏ 45 điều và bổ sung mới 26 điều.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, trong số các nội dung mới của dự luật sửa đổi sẽ có một chương về đường sắt tốc độ cao. Dù Quốc hội từng bác dự án đường sắt cao tốc tuy nhiên theo quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt, toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam sẽ hoàn thành vào năm 2050.
Báo cáo thẩm tra dự luật này, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cơ bản nhất trí với các quy định về đường sắt tốc độ cao bảo đảm việc xây dựng theo chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên cần phải làm rõ hơn về nguồn tài chính và lộ trình thực hiện.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, kết cấu hạ tầng đường sắt ở nước ta đang lạc hậu, xuống cấp bởi phần lớn được đầu tư từ hơn trăm năm trước.
"Đường đơn khổ rộng 1 mét như nước ta trên thế giới hầu như không dùng nữa; hệ thống tín hiệu nhiều thế hệ, năng lực thông qua thấp; có nhiều điểm giao cắt đồng mức với đường bộ gây mất an toàn; công nghệ thông tin trong hoạt động hầu như chưa được ứng dụng...", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác thấp hơn rất nhiều, không phù hợp với cơ cấu đầu tư trong nước và xu thế phát triển của lĩnh vực này trên thế giới...
Làm sao đưa đường sắt thoát cảnh lạc hậu, yếu kém
Theo Điều 1 tại dự thảo Luật, Luật đường sắt (sửa đổi) quy định phạm vi điều chỉnh của Luật là điều chỉnh quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quy tắc, tín hiệu giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt và cho rằng việc sửa đổi bổ sung Luật đường sắt là cần thiết để phù hợp hơn với thực tiễn giao thông đường sắt hiện nay.
Phát biểu tại phiên họp, nhiều đại biểu không đồng tình với quy định này và cho rằng dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Đường sắt năm 2005 mà vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Luật Đường sắt năm 2005 là chưa thực sự hợp lý.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, việc giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Luật Đường sắt năm 2005 không khái quát được toàn diện các quy định của Dự thảo Luật và hoàn toàn không hợp lý.
Bởi Luật đường sắt (sửa đổi) lần này đã bãi bỏ 45 điều, chỉ giữ nguyên 4 điều, sửa đổi, bổ sung 65 điều và bổ sung mới tới 26 điều. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, với nhiều nội dung mới, phong phú hơn Luật cũ rất nhiều, Luật đường sắt (sửa đổi) đã gần như một luật mới, do vậy phạm vi điều chỉnh của luật cũng phải thay đổi, mở rộng hơn, khái quát được toàn bộ các quy định của Dự thảo Luật.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu để điều chỉnh lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cho phù hợp hơn.
Tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban thường vụ quốc hội cơ bản tán thành với các chính sách phát triển đường sắt được quy định tại Điều 5 của dự thảo luật.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa giao thông đường sắt thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị bổ sung thêm quy định nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển đường sắt ở những vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Bởi, theo đại biểu, đây là nơi có vị trí rất quan trọng trong an ninh quốc phòng của Tổ quốc, mà ở những nơi này, hầu như lại chỉ có đường bộ thì thật đáng lo ngại.
Kết luận lại phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, nếu tiếp thu các ý kiến trong phiên làm việc này thì tới đây, Dự án Luật đường sắt (sửa đổi) đủ điều kiện để trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới.