Người Đô Thị - Cần phải đúc tượng vàng cho những ai đem internet về Việt Nam. Đó là đề nghị rất nghiêm túc. Bởi vì không có internet sẽ không có Việt Nam ngày hôm nay.
Wikipedia tiếng Việt cho hay, giáo sư Rob Hurle là người đầu tiên đặt nền móng cho internet tại Việt Nam. Dạy ở Đại học Quốc gia Australia (ANU), năm 1991 Rob Hurle có ý tưởng để cho các sinh viên Việt Nam mang cái modem to bằng cục gạch về Việt Nam thử nghiệm. Sau đó Rob Hurle đã cùng TS. Trần Bá Thái, Viện Công nghệ thông tin tại Hà Nội (IOIT), tiến hành thí nghiệm kết nối các máy tính ở Úc và Việt Nam thông qua đường dây điện thoại. Lần đầu tiên Việt Nam có email với cái đuôi .au của Úc. Tới năm 1994 Rob Hurle đổi cái đuôi tên miền .vn thay cho tên miền .au.
Tới năm 1995 các từ email, thư điện tử bắt đầu len lỏi tới các nhà trí thức Việt Nam. Cũng cuối năm đó tôi ra Hà Nội, đến chơi nhà Bảo Ninh, ông là nhà văn có máy tính đầu tiên ở Hà Nội. Bảo Ninh nói, chờ tao chút, tao đang viết thư điện tử cho ông Phan Huy Đường (nhà văn Việt ở Pháp). Anh chàng kỹ sư vô tuyến điện là tôi chỉ biết lơ mơ về máy tính điện tử, thư điện tử là cái... khỉ gì tôi chẳng biết. Sau khi Bảo Ninh nhấn nút send chừng ba phút, từ bên kia nước Pháp, ông Phan Huy Đường đã gửi thư về rồi. Bảo Ninh thân, tôi quá ngạc nhiên khi ba chữ của người từ nước Pháp hiện lên trước mắt mình.
Internet vĩ đại lắm, cử nhân sinh học Bảo Ninh dạy cho kỹ sư vô tuyến điện Nguyễn Quang Lập thế nào là internet và sự vĩ đại của nó. Khi đó tôi chỉ biết sự vĩ đại của internet là quá rẻ và quá nhanh: với ba chục ngàn đồng/tháng ta có thể chat với cả thế giới.
Sự vĩ đại internet thoạt kỳ thủy là vậy. Nhưng ở Việt Nam sự vĩ đại ấy còn vĩ đại hơn. Kể từ năm 1994 Khoa Sử Đại học Tổng hợp nhận chiếc máy tính đầu tiên đến Việt Nam, sáu năm sau, không hơn, ngày 17.10.2000, Chỉ thị 58-CT/TW về việc “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được phê duyệt. Quả thật như một giấc mơ đẹp, chỉ có người Việt Nam mới thấy đó là một giấc mơ đẹp.
Các ông Mai Liêm Trực, Đỗ Trung Tá, Chu Hảo... và còn nhiều người nữa của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và IOIT đã thuyết phục các lãnh đạo cao nhất về lợi ích to lớn của internet. Để xóa đi nỗi lo lắng về sự xâm nhập các loại thông tin “phản động”, các chuyên gia tin học Việt Nam đã dựng nên một demo với “bức tường lửa” cháy rực như mặt trời cách mạng, còn thông tin “phản động của đế quốc thực dân như đàn dơi hốt hoảng”. Demo với hình ảnh tuyệt vời ấy đáng lưu ngàn đời vào bảo tàng tin học Việt Nam!
Nhờ đó ở Việt Nam internet được mở cửa hoàn toàn, mở ra một tương lai cực tươi sáng cho đất nước. Như Thánh Gióng chống giặc Ân, truyền thông Việt Nam vụt lớn không ngờ, trong vài năm bỏ xa truyền thông Bắc triều cả vạn dặm. Trước đó không một ai, không một bộ não thông minh nào có thể tiên đoán được.
Nhờ có Bảo Ninh và cái máy tính 386 cọc cạch của anh mà tôi biết tới internet sớm hơn nhiều nhà văn cùng thời. Nhưng phải tới năm 2007 khi con gái tôi lập blog ở Yahoo 360 bắt tôi phải viết, sau entry đầu tiên tôi mới thấy giá trị của internet đối với nhà văn, ấy là hàng trăm hàng ngàn comment của bạn đọc lao xao bên tôi, sau mỗi bài viết của tôi. Trước đây nếu may mắn được in ra, mỗi năm có được vài ba thư bạn đọc gửi cho là phúc đức lắm rồi. Tiếng lao xao của các comment bạn đọc với các nhà văn khác nào mấy anh đào vàng, tìm trầm vớ phải của quý. Với tôi, một nhà văn bán thân bất toại, ít khi đi đâu ra khỏi nhà mình, nó còn quý hơn cả vàng lẫn trầm. Không có internet tôi không sống được như ngày nay, vì bác sĩ bảo rằng tai nạn của tôi chỉ cho tôi sống giỏi lắm thêm ba năm nữa. Chính tiếng lao xao của comment đã giúp tôi sống tới tận giờ, cũng chính tiếng lao xao của comment đã giúp tôi trong 15 năm sống gắng có số trang viết gấp ba số trang viết cả cuộc đời, và sẽ nhiều hơn nữa, vì tôi đang sống và sẽ sống.
Ơn trời và ơn internet, Amen!