SOHA - Những ngày qua, dư luận xã hội sục sôi vì ông chủ tập đoàn Hoa Sen với phát ngôn "Ngu gì mà không làm thép?". Có thể, cách sử dụng ngôn từ tiếng Việt của ông Lê Phước Vũ hơi thiếu trong sáng. Nhưng câu nói của ông Vũ lại giúp chúng ta tỉnh ngộ.
"Ngu gì mà không làm thép?" – Nếu bạn là một nhà đầu tư, bạn đứng trước một cơ hội kiếm tiền hợp pháp, dễ dàng, với rất nhiều ưu đãi, bạn có sẵn sàng đầu tư không? Nếu bạn thành thật với lòng mình, tôi chắc chắn câu trả lời của bạn sẽ là: "Ngu gì?"
Tập đoàn Hoa Sen đứng trước cơ hội đầu tư nhà máy thép ở Cà Ná như thế nào? Được nhận mặt bằng sạch, được miễn thuế lâu dài, được đón rước và hỗ trợ cấp nước bằng một nửa trữ lượng nước của cả tỉnh Ninh Thuận đang khô kiệt vì hạn hán. Vậy thì ngu gì mà không làm thép?
Ông Lê Phước Vũ có thông minh không? Từ ông chủ một cửa hàng vật liệu nho nhỏ vươn lên trở thành một trong số những người giàu nhất Việt Nam, chắc chắn ông Vũ chẳng "ngu gì".
Đứng dưới góc độ của một nhà đầu tư thuần túy, việc chọn đầu tư làm nhà máy thép với rất nhiều ưu đãi của ông Vũ, rõ ràng là một lựa chọn khó có thể từ chối.
Nhiều người sẽ cho rằng dù ông Vũ khôn ngoan trong kinh doanh nhưng kém cỏi về mặt truyền thông. Bởi sau thảm họa Formosa, đề xuất đầu tư nhà máy thép bên bờ biển là một sự tự sát về mặt truyền thông. Điều đó chỉ đúng một phần.
Về tình, có thể việc tự đứng cùng lĩnh vực với Formosa sẽ khiến thương hiệu Hoa Sen của ông Vũ trở nên thiếu thiện cảm trong mắt những người dân đang đau lòng vì thảm họa miền trung. Và đề xuất xây dựng nhà máy thép Cà Ná giống như một xoáy sâu vào nỗi đau của cộng đồng.
Nhưng về lý, doanh nghiệp có quyền đề xuất đầu tư vào bất cứ lĩnh vực gì, miễn là pháp luật không cấm.
Ông Lê Phước Vũ cũng không hề thiếu thông minh đến mức chẳng nhận ra khả năng gặp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận xã hội đối với việc xây dựng một nhà máy thép bên bờ biển sau sự cố Formosa.
Nhưng tại sao ông vẫn đề xuất việc đó. Đơn giản, nhà doanh nghiệp sẽ quyết định đầu tư khi trông thấy lợi nhuận.
Nhưng những người có trách nhiệm, có quyền chấp thuận dự án đầu tư đó, thì không thể chỉ nhìn thấy lợi nhuận.
Họ buộc phải nhìn dự án qua lăng kính phát triển bền vững. Họ buộc phải nhìn thấy hậu quả của sự tàn phá môi trường nếu nhà máy vận hành sai.
Họ cũng buộc phải nhìn thấy miếng cơm manh áo và hạnh phúc của người dân ở vùng có dự án. Họ phải dũng cảm đứng về đại cục để nói không với những thứ mà xét về lâu dài, mất nhiều hơn được.
Nếu địa phương nào đó ưu đãi vô tội vạ, ưu đãi bất chấp hậu quả, thì chắc chắn chẳng có doanh nghiệp nào lại ngu ngốc từ chối. Nếu không phải tập đoàn Hoa Sen, thì sẽ là một tập đoàn hoa cải, hay hoa súng nào đó sẽ chớp lấy thời cơ và ưu đãi này.
Chắc chắn người Việt không chấp nhận một Fomorsa thứ hai. Vì vậy, việc nhảy vào đầu tư nhà máy thép lớn ở gần những vùng biển rất đẹp của Việt Nam, cùng những phát ngôn sốc của ông Lê Phước Vũ, vô tình giúp chúng ta nhận ra một thông điệp đầy chất cảnh tỉnh: Không thể ưu đãi bất chấp tương lai.
Thậm chí có người còn hóm hỉnh: Biết đâu chính ông Vũ cố tình nhận búa rìu dư luận về mình để cảnh tỉnh người Việt không dễ dãi với các dự án đầu tư.
Vậy thì, ở khía cạnh cảnh tỉnh này, ngu gì mà không có một lời cám ơn ông Vũ?