SOHA - Cho đến bây giờ, câu chuyện xe tải cứu người thần kỳ trên đèo Bảo Lộc vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Và những cuộc tranh cãi xung quanh nó cũng chưa hết ngớt.
Ngày 6/9 vừa qua, câu chuyện tài xế dùng xe tải cứu ôtô khách chở 30 người mất phanh khi đổ đèo Bảo Lộc đã được ví như là một ký tích, "chuyện chỉ có ở trong phim"... và người tài xế xe tải còn được dân mạng phong tặng tước hiệu "Anh hùng".
Tuy nhiên, hãy tạm đặt những thứ kỳ diệu đó sang một bên và tìm hiểu kỹ xem nguyên nhân từ đâu mà 30 người trên xe bị đặt vào tình huống ngàn cân treo sợi tóc như vậy.
Theo như báo cáo ban đầu ghi nhận được, nguyên nhân chính dẫn đến sự việc này là do: Xe mất phanh.
"Xe mất phanh" - cụm từ này các bạn đã nghe quá nhiều trên báo chí và nghe dồn dập gần đây. Một loạt các hành khách vô tội đột nhiên lên thiên đàng trong lúc đang mơ màng ngủ, hay lúc đang lướt phây trên Iphone hay đang bí mật gãi chân.
Họ, những hành khách vô tội ấy đột nhiên, bàng hoàng, hoảng hốt và dĩ nhiên không hiểu vì sao lại có mặt trên thiên đàng sau vài tích tắc. Báo chí khắp nơi nháo nhào cũng nói nguyên nhân do mất phanh.
Viết đến đây, tôi, một cựu tài xế có thâm niên 50 năm bẻ vành rế phải đập bàn mà thổn thức. Hỡi các bạn tài non, các bạn là những kẻ bạt mạng.
Và tôi trân trọng nhấn mạnh: Mất phanh ư? Mất não thì có.
Năm 1986, bạn tôi, anh Chuối được bổ nhiệm tài chính xí nghiệp xe khách 14. Nó mới chuyển từ đoàn 12 sang. Đoàn 12 chạy đồng bằng sánh thế nào được đoàn 14 tinh tài già, bẻ những cung đường hiểm hóc nhất miền Tây Bắc.
Chuối chạy Điện Biên chuyến thứ 2 thì lao cả xe chở 34 hành khách xuống vực. Tai nạn xảy ra cuối dốc Tòng Đậu, 18 hành khách vô tội chết oan. Nguyên nhân, anh Chuối khai mất phanh.
Một loạt nhân chứng sống sót cũng khai tương tự khi nghe bác tài gào lên là mất phanh rồi...
Hôm sau, Cảnh sát giao thông kéo xe lên và kiểm tra toàn bộ hệ thống phanh trước sự chứng kiến của ban giám đốc xí nghiệp. Kết luận: Phanh hoàn hảo.
Mất phanh ư? Mất mất cái cóc khô!
Năm 1989, anh D. tài già đoàn 14 vào cua đèo Pha Đin. Lão nhá phanh giảm tốc để ôm cua. Phanh mất hiệu lực.
Nhưng không hổ danh tài già, cựu chiến binh đoàn 59, lão cà xe vào ta luy, không hành khách nào xước mất một mẩu da ngoại trừ chú phụ xe bị vo tròn như cây giò lụa. Cảnh sát giao thông sau đó cũng kiểm tra lại hệ thống phanh và kết luận: Phanh hoàn hảo.
Có cần phải nhắc lại không: Phanh hoàn hảo.
Và do vậy: Chả có cái lý nào gọi là mất phanh cả.
Vậy thì cái gì đã thực sự xảy ra?
Hỡi các bạn tài non, các bạn thuê xe đi phượt, các bạn mới bán đất mua xế hộp, các ông giám đốc hứng chí đuổi lái xe xuống để tự bẻ lái. Các ông nên biết rằng lái xe đường đèo cần nhất là: Không nên dùng phanh.
Chớ vội cãi.
Khi đổ đèo các ông đi số một thôi (tất nhiên không nhất thiết đèo nào cũng xuống số một, còn tùy theo độ dốc), hạn chế dùng phanh đến mức tối đa. Tôi tin rằng nếu đi số một các ông chả cần gì đến phanh.
Các ông có biết tại sao mất phanh thường xảy ra ở cuối đèo không? Bởi vì những cái tay lái non oặt thường xuống đèo quá nhanh ở số ba hay bốn, cho nên vào cua là lại rà phanh.
Nhất là những xe chở khách nặng thì rà phanh liên tục dẫn đến nóng rực tăm bua, trơ lì má phanh, thậm chí sôi cả dầu phanh.
Đến gần cuối đèo, nhiệt độ lên quá cao và lúc này cả hệ thống phanh đột nhiên vô tác dụng. Sự mất phanh xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước... tai nạn thảm khốc xảy ra.
Hôm sau, cảnh sát giao thông kéo xe lên và đạp thử phanh. Lúc này dĩ nhiên phanh đã nguội và họ kết luận: Lái xe như thế này về vườn mà đuổi ruồi.