Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Hiện trường vụ việc không thuộc khu vực cấm chụp ảnh

ÁI NHÂN

TTO - Khi cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường để điều tra cần có dấu hiệu, cảnh báo để người dân và nhà báo tác nghiệp biết và theo các chuyên gia pháp lý, hiện trường vụ việc này không thuộc khu vực “cấm chụp ảnh”.

Ngay khi có những vụ sự kiện như tai nạn giao thông, cháy nổ, án mạng… xảy ra, phóng viên các cơ quan báo chí thường có mặt lập tức để tác nghiệp, thông tin sự kiện.

Nhiều vụ việc được đăng tải đầy đủ với những hình ảnh, video clip, lời kể sinh động của các nhân chứng tại hiện trường. Tuy nhiên, lại có vụ việc cơ quan chức năng ngăn cản không cho phóng viên quay phim chụp ảnh vì cho rằng đó là “khu vực cấm”.

Hiện trường vụ việc có phải là khu vực cấm, thuộc phạm vi “bí mật nhà nước” hay không? Tuổi Trẻ đã trao đổi với các luật sư, kiểm sát viên.

Không phải là khu vực cấm

Luật sư Phạm Tấn Thuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định: "Hiện trường xảy ra chết người không phải là khu vực cấm".

Luật sư Thuấn cho biết theo quy định của pháp luật, khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được thiết lập để bảo vệ, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của người, phương tiện nhằm duy trì trật tự, an ninh và phòng, chống các hành vi xâm nhập, phá hoại, thu thập bí mật Nhà nước trong khu vực, địa điểm đó.

Căn cứ quyết định số 160/2004/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ về xác định địa điểm, khu vực cấm thì khu vực cấm, địa điểm cấm gồm:

1. Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển;

2. Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân;

3. Các kho dự trữ chiến lược quốc gia;

4. Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội;

5. Khu vực biên giới;

6. Khi có tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn… mà Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì bộ trưởng Bộ Công an, chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tạm thời.

Các khu vực, địa điểm được xác định là khu vực cấm, địa điểm cấm phải cắm biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm".

Căn cứ vào những quy định trên thì hiện trường vụ việc chết người không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm.

Chụp ảnh sự kiện pháp lý không làm lộ bí mật

Tương tự, ông Nguyễn Văn Chung - viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM, cũng khẳng định  khu vực phong tỏa để điều tra cần được thông báo công khai.

Thường khi xảy ra chết người, dù chưa rõ đó là án mạng hay tự tử thì ngay khi phát hiện hay nhận được thông tin về vụ việc, cơ quan công an sẽ có mặt và cho phong tỏa hiện trường để điều tra. Đây là công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan điều tra.

Do để đảm bảo hiện trường vụ án phải được giữ nguyên cho công tác thu thập chứng cứ điều tra chính xác, khu vực điều tra hiện trường là khu vực cấm, chỉ có cơ quan chức năng, người có nhiệm vụ mới được phép có mặt.

Tuy nhiên, để phân biệt đâu là ranh giới cấm vào thì cơ quan chức năng tại hiện trường (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, công an địa phương… ) cần có biện pháp để thông tin cho những người có mặt  tại khu vực hiện trường biết.

Công an có thể cho giăng dây, dựng rào chắn hoặc trong trường hợp khẩn cấp không có những phương tiện đó thì có thể cắt cử người đứng tại ranh giới đó để cảnh báo cho những người hiếu kỳ hay các phóng viên tác nghiệp, đến đưa tin về vụ việc biết, không bước vào khu vực cấm.

Nếu không có những biện pháp thông tin cảnh báo về khu vực cấm xâm phạm trên thì rất khó để ngăn người hiếu kỳ, thân nhân của người chết hay các nhà báo tác nghiệp biết đâu là ranh cấm để không bước vào.

Luật sư Trương Xuân Tám - chủ tịch Hội đồng luật sư toàn quốc, cũng cho rằng hiện trường án mạng, tự tử… không bị cấm chụp ảnh. 

Quy định khu vực cấm chụp ảnh thường là những nơi mà việc chụp ảnh có thể làm lộ bí mật quốc phòng, an ninh quốc gia.

Còn khu vực xảy ra sự kiện pháp lý (như vụ tự tử, tai nạn, án mạng… ) không phải là khu vực mà việc chụp ảnh có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lộ bí mật quốc phòng, bí mật nhà nước.
***

Nặng lời vì không biết người thi hành không vụ, không thể phạt

Nhiều trường hợp cảnh sát hình sự mặc thường phục có mặt tại hiện trường vụ việc nhưng không xưng danh, người dân không biết đó là người thi hành công vụ nên trong tranh cãi có thể nói nặng lời, việc này liệu có bị xem là hành vi lăng mạ người thi hành công vụ?

Theo luật sư Hứa Thị Thảo - Đoàn luật sư TP HCM, người thi hành công vụ là cán bộ công an thì phải đảm bảo đúng các quy định về điều lệnh nội vụ công an nhân dân về trang phục, lễ tiết, tác phong của cán bộ, chiến sĩ.

Trường hợp cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục phải theo yêu cầu công tác của ngành. Tuy nhiên khi thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu công tác thì cán bộ, chiến sĩ luôn phải mang theo thẻ ngành.

Trường hợp tiếp xúc, kiểm tra, xử lý công việc theo nhiệm vụ đối với người dân hay đối tượng thì cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục phải xuất trình thẻ ngành.

Hoặc khi thực hiện các nhiệm vụ thì cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục có thể đi cùng với cảnh sát địa phương có mặc cảnh phục kèm theo các giấy, lệnh, yêu cầu cụ thể.

Khi thực hiện nhiệm vụ, tiếp xúc với người dân hay đối tượng thì cán bộ, chiến sĩ phải bảo đảm lễ tiết, tác phong...

Còn theo luật sư Trương Xuân Tám, cảnh sát có thể mặc thường phục trong khi làm nhiệm vụ, nhưng khi sử dụng quyền lực công để thực hiện chức trách của mình (yêu cầu người dân ra khỏi khu vực cấm), thì phải công khai mình là cảnh sát.

Khi người thi hành công vụ không xưng danh, không đưa thẻ ngành khi tiếp xúc với người dân, đương sự thì nếu vì hiểu lầm, đương sự tranh cãi, buông lời lăng mạ với người gây khó chịu cho mình mà không biết đó là CSHS - người thi hành công vụ thì không bị xem là lăng mạ người thi hành công vụ được.