Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Bi kịch từ những tấm tôn và vì sao chúng ta khó trở thành người tốt

Phạm Trung Tuyến

(Dân Việt) Tôi biết trong chương trình đào tạo phổ thông của mình có các môn khoa học, có cả môn đạo đức công dân. Song, tôi không nhớ trong những môn học đó có kiến thức để tôi có thể cứu giúp người bị nạn hay chăng? Nếu có, hẳn nó quá mờ nhạt nên tôi mới không nhớ chút nào. Không biết cách cứu giúp người khác, chúng ta sao có thể làm người tốt được đây?

Liên tiếp hai vụ người dân bị thương do va đập vào những tấm tôn đang trong quá trình vận chuyển, nạn nhân đều tử vong vì không kịp cứu chữa. Tai nạn xảy ra ở trên đường, có đông người tại hiện trường, và câu chuyện có thể đã bớt bi kịch hơn nếu các nạn nhân được sơ cứu kịp thời và đúng cách.

Hồi đầu năm, một thanh niên đã chết đuối tại hồ Hàm Nghi ở Đà Nẵng, trước mắt rất nhiều người đứng xem.

Những câu chuyện tương tự vẫn xảy ra trong cuộc sống này theo cách đó, những cái chết được diễn ra mà biết bao con người phải chứng kiến mà chẳng có tác động can thiệp nào. Nó tạo nên một bức tranh u ám về một xã hội vô cảm, thiếu vắng lòng tốt. Song, làm người tốt có thực sự dễ không? Lòng tốt liệu có làm bớt đi những câu chuyện thương tâm như thế?

Tháng 6 năm nay, một thanh niên ở Lâm Đồng đã nhảy xuống nước để cứu bạn và chết đuối trong khi cô bạn cuối cùng đã tự bò được vào bờ.

Một tháng sau đó, 3 nữ sinh ở Bắc Giang đã rơi xuống nước và chết đuối vì cố gắng tìm cách cứu 2 người bạn.

Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) ghi nhận rất nhiều ca tử vong do chấn thương nhưng không được sơ cứu đúng cách. Một người đàn ông ở Hưng Yên bị gãy đốt sống cổ sau tai nạn giao thông nhưng được vác vào khoa cấp cứu mà không hề được cố định, tử vong sau 3 tháng.

Còn tại khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) luôn có những bệnh nhân phải cưa chân vì hoại tử hoặc nhiễm trùng nặng, vì không được sơ cứu đúng cách sau khi bị rắn cắn.

Chúng ta đang sống trong một xã hội không an toàn. Một tấm thép hay một mảng bê-tông hoàn toàn có thể rơi xuống từ một công trình đang xây dựng nào đó mà không được rào chắn tử tế. Một tấm tôn, một thanh sắt có thể đâm, cứa vào ta bất cứ lúc nào trên đường phố. Điều quan trọng là khi những tai nạn đó xảy ra, chúng ta có thể được sơ cứu không đúng cách, hoặc không được sơ cứu kịp thời vì những người xung quanh không biết cách sơ cứu.

Sau vụ một phụ nữ 66 tuổi bị tôn cứa đứt cổ tại Chương Mỹ ngày 25.9, và tử vong tại khoa Cấp cứu Bệnh viện 103 (Hà Nội), tôi tự hỏi nếu mình có mặt tại hiện trường thì sẽ làm gì, giúp đỡ người bị nạn ra sao? Thú thực, tôi không có ngay câu trả lời vì thực sự không biết cách sơ cứu thế nào là phù hợp với trường hợp tai nạn đó. Liệu bao nhiêu người sẽ như tôi, không có câu trả lời? Tôi tin rằng, phần lớn chúng ta không được trang bị để trở thành người tốt.

Tôi biết trong chương trình đạo tạo phổ thông của mình có các môn khoa học, có cả môn đạo đức công dân. Song, tôi không nhớ trong những môn học đó có kiến thức để tôi có thể cứu giúp người bị nạn hay chăng? Nếu có, hẳn nó quá mờ nhạt nên tôi mới không nhớ chút nào. Không biết cách cứu giúp người khác, chúng ta sao có thể làm người tốt được đây?

Tôi biết rằng nhiều người trong chúng ta không tiếc tiền cho con học thêm những kỹ năng tuyệt vời như đàn, hát, võ, vẽ… để trở thành thiên tài.

Tôi cũng biết rằng các trung tâm ngoại ngữ trẻ em lúc nào cũng đông khách.

Tôi cũng đọc thấy ở đâu trong những ngày vừa qua cũng có những cuộc tranh luận về học ngôn ngữ gì để trở thành công dân toàn cầu.

Nhưng, tôi không thấy ai nói đến chuyện học kỹ năng cứu người khi gặp nạn.

Chúng ta đều muốn con cái mình trở thành những đứa trẻ đa tài. Dường như chẳng có nhiều người mong con cái mình có thể trở thành những người tốt.