(TBKTSG) - Mỗi lần có việc cần đến cơ quan nhà nước, hoặc phải tiếp cán bộ công quyền, cảm giác đầu tiên của tôi là ngại, rồi... sợ. Ngoài việc tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật theo quy định, còn có nhiều yếu tố khác, khiến nỗi lo “không được việc” vẫn luôn thường trực.
Ngày nọ, tôi đến công an phường xin xác nhận vào đơn cớ mất, để xin cấp lại bằng lái xe bị thất lạc. Hôm đó, có cậu thiếu niên ở cùng khu phố đi cùng mẹ đến đó làm thủ tục xin cấp giấy chứng minh nhân dân, vì cậu đã đến tuổi. Sau khi xem giấy khai sinh và sổ hộ khẩu, anh công an hỏi người mẹ, nhà chị có kinh doanh phòng trọ, vậy gia đình đã làm thủ tục đăng ký tạm trú cho những người ở trọ chưa và yêu cầu chị về nhà lấy các giấy tờ chứng minh việc đăng ký đó. Ô hay, các việc này có liên quan đến nhau đâu. Làm giấy chứng minh nhân dân là quyền của mỗi công dân và cậu thiếu niên, bố mẹ cậu là những chủ thể khác nhau. Giả sử bố mẹ cậu chưa đăng ký tạm trú cho những người ở trọ, thì cậu thiếu niên sẽ không được làm chứng minh nhân dân theo luật định hay sao?
Trong công việc, tôi phụ trách phần đối ngoại của công ty nên thường là người làm việc với các cơ quan chính quyền - mỗi năm hàng chục lần. Điều khiến tôi bức xúc nhất, không phải là tần suất và nội dung kiểm tra trùng lắp của các ban ngành như dư luận hay đề cập, mà trong quá trình làm việc, rất nhiều công bộc của ta rất thiếu ôn hòa, thiện chí.
Đầu buổi làm việc, qua lời nói, sắc mặt, họ thường gây căng thẳng, làm cho chúng tôi bất an, lo lắng. Nếu phát hiện điều gì đó chưa phù hợp, họ tạo cho chúng tôi cảm giác như mình vi phạm lớn lắm. Đã đành, mục đích làm việc là để kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, phát hiện và xử lý sai phạm. Nhưng chúng tôi cũng rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ và tư vấn từ các cơ quan chức năng trong hoạt động của mình. Chúng tôi ước mình và những cán bộ công quyền có thể làm việc hòa đồng, vui vẻ và nhã nhặn hơn.
Theo Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ, chúng tôi phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp. Ban đầu, chúng tôi làm một bộ hồ sơ theo hướng dẫn, mang lên cơ quan chứng năng nhờ xác nhận hồ sơ đã đầy đủ chưa, tránh phải làm đi làm lại nhiều lần, mất thời gian của đôi bên. Cán bộ hướng dẫn xem và xác nhận hồ sơ phù hợp. Hôm sau, chúng tôi lên nộp hồ sơ, cán bộ thụ lý yêu cầu về làm lại, vì có một ngành nghề chưa thể hiện mã số. Thực tế, trong danh sách các mã ngành do nhà nước ban hành, không đề cập đến ngành này và trong giấy chứng nhận đầu tư hiện có của công ty, chỉ thể hiện mã số ngành kinh doanh chính của đơn vị. Chúng tôi phải làm công văn thắc mắc, cuối cùng, hồ sơ được chấp thuận.
Có lần đi làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty, tôi được hẹn sau 10 ngày đến lấy kết quả. Đến hẹn, tôi đi gần 30 cây số đến lấy thì được hẹn lại ngày khác. Sau khi tranh luận với cô nhân viên không có kết quả, tôi đi tìm phòng ông quản lý khu vực đó, trình bày sự việc và nhờ giải quyết. Ông gọi cô nhân viên đó lên gặp và cuối cùng, tôi lấy được kết quả chiều hôm đó.
Đi đường, khi nào tôi cũng mang đầy đủ giấy tờ theo quy định và chấp hành đúng luật giao thông. Dù vậy, nếu lần nào đó đang đi, cảnh sát giao thông thổi còi, yêu cầu dừng xe, cảm giác đầu tiên của tôi cũng là... sợ. Thật sự, việc bắt lỗi và xử lý hành vi vi phạm luật giao thông vẫn còn phụ thuộc vào sự chủ quan của cảnh sát giao thông khá nhiều. Nếu đúng, cảnh sát giao thông không được dừng xe, nếu người tham gia giao thông không vi phạm, trừ những ngoại lệ.
Tôi học luật, đi làm cho công ty nước ngoài hơn 10 năm nay nên khá hiểu luật pháp và đã quen với các chuẩn mực, khuôn thước trong công việc, cuộc sống. Tôi biết bảo vệ mình và công việc của mình, nhưng trong những tình huống nhất định, ý chí chủ quan của người thực thi quyền lực mới là yếu tố quyết định với rất nhiều lý do.
Một trong những áp lực, trở ngại nhất trong công việc của tôi, là làm việc với cơ quan chính quyền.