(GDVN) - Một công trình thủy điện vừa mới khánh thành đã xảy ra sự cố thì nỗi lo “quả bom tấn thủy điện” treo lơ lửng trên đầu người dân hoàn toàn không thừa.
Cho đến nay, chưa tính được thiệt hại về người sau sự cố vỡ đường ống dẫn thủy điện sông Bung 2 vào lúc 16h25 phút ngày 13/9.
Ông Ngô Việt Hải - Tổng Giám đốc Công ty phát điện 2 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN) - chủ đầu tư dự án, cho biết: Dự án thủy điện Sông Bung 2 chính thức được khởi công vào tháng 12/2012. Dự kiến 20/11/2016 sẽ tiến hành phát điện tổ máy đầu tiên và vào ngày 10/12/2016 thì phát điện tổ máy thứ 2 nhưng ngày 13/9/2016 đã xảy ra sự cố vỡ cống dẫn dòng.
Sự cố này xảy ra sau 7 ngày thủy điện cho tích nước và thời điểm xảy ra sự cố, còn 33 m nữa mới đến mực nước dâng bình thường.
Còn ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN đánh giá, sự cố này là hết sức nghiêm trọng. Sau này, các cơ quan chức năng phải rà soát lại từ khâu thiết kế cho đến quá trình thi công đảm bảo an toàn mới có thể tích nước trở lại.
Nói về sự cố Vỡ đường ống dẫn Thủy điện sông Bung 2, ông Ngô Việt Hải cho biết, khi sự cố xảy ra lượng nước mưa đổ về hồ chứa đạt 560m3/giây. Lượng nước trong hồ khoảng 28 triệu m3 nước. Dung tích hồ chứa được khoảng 94 triệu m3 khối nước. Lượng nước trong hồ chỉ bằng 1/3 dung tích hồ chứa.
Hầm dẫn dòng của Thủy điện sông Bung 2 chiều dài 393 mét, rộng 12 mét, cao 14 mét. Khi thi công công trình thủy điện thì phải xây đường hầm dẫn dòng trước. Sau khi xây đập ngăn chính gần hoàn thành thì đơn vị thi công sẽ tiến hành ngăn hầm để dẫn dòng nước vào bể chính.
Đây là một trong những đường hầm có chiều dài lớn trong hệ thống thủy điện của EVN.
Để ngăn hầm, đơn vị thi công Thủy điện sông Bung 2 đã ở cửa van hai tấm thép lớn, mỗi tấm nặng 125 tấn. Cửa van số 2 đã bị bục.
Điều đáng nói là cửa van hầm dẫn dòng vừa được hoàn thành, đóng vào ngày 3/9/2016. Công trình Thủy điện sông Bung 2 được nghiệm thu, cho phép tích nước từ ngày 25/8/2016.
Vậy, tại sao đường ống dẫn lại bị vỡ?
Tất nhiên, rồi đây cơ quan chức năng sẽ có kết luận, nhưng tại buổi họp báo vào lúc 9h sáng ngày 14/9 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Tôi đã lên cùng các cơ quan chức năng kiểm tra ban đầu, nguyên nhân ban đầu là do lượng mưa quá lớn, tần suất lũ lớn.
Trong báo cáo số 1643 ngày 25/4/2016 của Tập đoàn EVN có nêu: Ban Quản lý dự án ký hợp đồng với từng nhà thầu thi công, trong đó có một số nhà thầu yếu về năng lực.
Năng lực quản lý dự án của Ban Quản lý dự án Thủy điện sông Bung 2 còn nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý từ khâu tổ chức, khảo sát, chuẩn bị dự án đến điều hành thi công xây dựng.
Đặc biệt, Công ty CP tư vấn xây dựng điện 3, lần đầu tiên làm tư vấn chính cho dự án có quy mô lớn như Thủy điện sông Bung 2.
Dự án Thủy điện sông Bung 2 vốn đầu tư là 5.200 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2012. Dự án có vốn đầu tư ban đầu là 3.661 tỷ đồng, nhưng trong quá trình thi công đã đội thêm 1.600 tỷ đồng.
Dự án Thủy điện sông Bung 2 trong quá trình khởi công đã để lại những nghi ngại như cảnh báo của EVN đã nêu trong báo cáo số 1643.
Phải chăng đây chính là mấu chốt làm sáng tỏ một phần câu hỏi vì sao dự án Thủy điện sông Bung 2 vừa đi vào sử dụng được 19 ngày và cửa van đóng hầm hoàn thành được tròn 10 ngày thì bục?
Một công trình đội vốn tới 1.600 tỷ đồng không phải là nhỏ. Theo lời trần tình của ông Vương Thành Chung - Phó Giám đốc phụ trách quan quản lý dự án Thủy điện sông Bung 2: Sau quá trình triển khai thi công có một số yếu tố chính tác động làm thay đổi tổng mức đầu tư.
Nhưng ông Chung lại không đề cập tới số cán bộ của ban quản lý dự án đã “nhúng tay vào chàm” hầu tòa vì đã cấu kết với một số đối tượng để tham nhũng số tiền trên 12 tỷ đồng, do kê khống đền bù.
Một công trình thủy điện vừa mới khánh thành mới hơn nửa tháng mà đã xảy ra sự cố thì nỗi lo “quả bom tấn thủy điện” treo lơ lửng trên đầu người dân vùng hạ lưu sông Bung hoàn toàn không thừa.
Cũng hy vọng, sự cố vỡ đường dẫn Thủy điện sông Bung 2 sẽ không phải do… ông trời.