MTG - Là những người hiểu, nắm vững pháp luật nhất mà lại hành động theo kiểu lạm quyền, ngang ngược, coi thường, bất chấp pháp luật, một bộ phận không nhỏ trong lực lượng công an đã khiến uy tín của ngành bị sứt mẻ, để con mắt dân nhìn vào thiếu sự thiện cảm.
Vụ việc “mời - bắt cóc” công dân, trong đó có một cháu nhỏ 3 tuổi, vừa xảy ra ở thị xã La Gi (Bình Thuận) mà nhân vật chính là… công an chứ không phải người dân đã khiến dư luận cực kỳ bức xúc. Vấn đề ở đây là sự vi phạm pháp luật lại được thực hiện bởi chính lực lượng bảo vệ pháp luật.
Cứ cho là ông Lê Hồng Phong, một doanh nhân tại Bình Thuận đang bị nhà chức trách nghi ngờ, là đối tượng cần phải điều tra do liên quan đến pháp luật, theo như công an thông báo sau đó. Nhưng nghi ngờ ai thì không có nghĩa được quyền xúc phạm đến tư cách công dân của người ấy. Tuy nhiên, Công an Q.Hai Bà Trưng (TP.Hà Nội) đã không đếm xỉa đến điều đó. Họ ngang nhiên vượt cả ngàn cây số vào tận nơi, không thông báo, không làm việc trước với chính quyền địa phương, với công an sở tại đang chịu trách nhiệm về an ninh trật tự nơi này. Với lý do "nghiệp vụ", họ tự cho mình cái quyền “tiền trảm hậu tấu”, công khai đón đường công dân, “mời - bắt cóc” ép công dân Phong cùng đứa con nhỏ 3 tuổi đưa vào xe kín, vọt thẳng về Sài Gòn, không khác gì bắt khẩn cấp một đối tượng cực kỳ nguy hiểm có hại cho an ninh quốc gia. Vụ việc xảy ra ngay trước cổng một trường mầm non giống như phim hành động của Hollywood hoặc xã hội đen khiến người dân hốt hoảng lo sợ.
Cứ như báo chí phản ánh, ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận, Công an thị xã La Gi, công an các tỉnh trong khu vực, rồi cả công an, cảnh sát hình sự của Bộ Công an, các lực lượng địa phương lập tức lên phương án truy đuổi, chặn bắt, lập chốt trên nhiều tuyến đường để giải cứu hai nạn nhân. Tức là tốn rất nhiều sức lực, trí tuệ, phương tiện, thời gian để giải quyết một vụ việc phát sinh từ sự tùy tiện, vô pháp luật của chính những người trong ngành.
Nếu làm sai, vi phạm pháp luật, hãy dũng cảm thừa nhận sai và sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, như báo điện tử Một Thế Giới và một số tờ báo thông tin, một vị lãnh đạo Công an Q.Hai Bà Trưng còn cãi lấy được, bảo rằng chỉ mời “đối tượng Phong” đi làm việc chứ không phải bắt cóc, trước khi thực thi “mời” đã có trao đổi, thông báo với chính quyền và công an địa phương. Thôi thì cứ cho các vị ấy phân trần biện giải, còn dân chúng có hiểu thế hay không lại là chuyện khác. Chỉ đơn giản rằng, nếu có sự thông báo làm việc trước, làm sao lại có thể xảy ra cuộc huy động tổng lực để truy đuổi, ngăn chặn, giải cứu như đã nói ở trên.
Câu chuyện bi hài ấy bộc lộ điều gì? Chúng ta vẫn nghe rằng lực lượng công an được ví như thanh kiếm bảo vệ pháp luật. Kiếm không chỉ sắc mà còn phải nghiêm, đảm bảo tuân thủ, đề cao pháp luật triệt để. Mọi hành động, lời nói đều phải khiến dân chúng tâm phục khẩu phục. Là những người hiểu, nắm vững pháp luật nhất mà lại hành động theo kiểu lạm quyền, ngang ngược, coi thường, bất chấp pháp luật, một bộ phận không nhỏ trong lực lượng công an đã khiến uy tín của ngành bị sứt mẻ, để con mắt dân nhìn vào thiếu sự thiện cảm. Thanh kiếm đã có chỗ mẻ thì cũng khó mà làm nhiệm vụ của nó.
Điều đáng buồn còn ở chỗ, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kêu gọi các cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành, lực lượng thực thi công vụ hãy cố hết sức để xây dựng một chính quyền thân thiện, gần gũi với nhân dân, để người dân thân thiện với chính quyền hơn, để bộ máy điều hành đất nước thân dân hơn, thì vẫn có số không nhỏ, như Công an Q.Hai Bà Trưng kia, làm ngược lại. Hậu quả xấu thì Thủ tướng chịu, Chính phủ chịu, dân chịu, chứ họ đâu có chịu. Họ còn cãi băng băng ấy chứ.
Vụ Công an Q.Hai Bà Trưng đâu phải chỉ là chuyện đơn lẻ, hãn hữu của ngành này. Vừa rồi báo chí và dân chúng xôn xao chuyện thiếu tá Bùi Chí Hiếu, Trưởng công an xã Tiến Thành (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) mời công dân đến trụ sở làm việc không được, đã xăm xăm đến tận nhà “đối tượng”, rút súng bắn ngay hai phát vào lưng cho chừa cái “tội” không nghe lời công an. May mà đạn cao su, chứ đạn đồng thì thiếu tá cầm chắc phải ra tòa. Khẩu súng bị thu lại, nhưng cái tiếng dữ tiếng xấu cho ngành làm sao mà thu về được. Một sĩ quan hàm đến thiếu tá, từng học qua trường lớp chuyên nghệp tất phải am hiểu pháp luật, vì vậy đây không phải chỉ là lạm quyền bởi thiếu tá Hiếu thừa biết quyền của mình tới đâu, khi nào sử dụng vũ khí, nhưng vẫn cố tình vi phạm hình sự, dùng vũ khí xâm phạm thân thể người khác, ngay cả đối với người không nguy hiểm.
Tiện đây, nhắc lại trường hợp của đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM). Việc Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu phải kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc vụ quán Xin Chào có liên quan đến đại tá Quý, rồi Bộ Công an quyết định cách chức Trưởng công an huyện đủ nói lên những vi phạm pháp luật của sĩ quan cấp cao này gây nhiều điều tiếng không hay cho chính quyền, cho lực lượng công an. Dư luận bảo rằng nếu đại tá Quý mà nắm vững và tuân thủ pháp luật thì đâu đến nỗi. Thật buồn bởi chữ “nếu” ấy đâu phải chỉ là sở hữu riêng của ông Quý.
Tôi có căn cứ để nói vậy. Ngày 15.8 vừa rồi, chính một thiếu tướng công an, tức là chức vụ phẩm hàm cao đến nỗi không thể có chuyện không thông hiểu pháp luật, thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) còn tuyên bố trong một cuộc họp rằng “người dân không có quyền kiểm tra cảnh sát giao thông”. Chả hiểu sao ông Hà lại có thể hoàn toàn bác bỏ vai trò giám sát của người dân đối với cơ quan nhà nước và lực lượng công quyền, trong khi điều ấy được Hiến pháp và pháp luật thừa nhận. Hầu như nơi đâu cũng treo câu khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, lẽ đâu vị thiếu tướng không đọc. Nếu chỉ là sảy miệng, lỡ mồm thì còn may cho dân lắm.
Kể như trên để thấy rằng bất cứ ai, làm ngành gì, công việc gì, chả cứ là công an, đều phải thông hiểu và thượng tôn pháp luật. Đó là tiêu chuẩn, là thước đo, là sự bắt buộc, và cũng là cái phanh hãm để mọi người có thể kịp thời dừng lại trước mọi sự vi phạm.