Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

‘Không được thu phí để bù đắp tham nhũng’

TRÀ PHƯƠNG

(PL) - Phí và lệ phí phải hợp lý, không thể là thuế thu nhập trá hình làm giảm thu nhập hợp pháp của dân.

Chiều 11-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số ý kiến khác nhau của dự án Luật Phí và lệ phí.

Phí không được chồng thuế

Đại biểu Huỳnh Văn Tín (Tiền Giang) nhấn mạnh việc thu phí và lệ phí phải tương xứng với dịch vụ công. Đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc phí và lệ phí không chồng thuế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu rõ nguyên tắc phí và lệ phí phải hợp lý, không thể là thuế thu nhập trá hình làm giảm nguồn thu nhập hợp pháp của người dân. Người dân đã đóng các loại thuế, không thể bắt họ phải trả thêm tiền cho các dịch vụ công.

“Không thể thu phí, lệ phí để bù đắp cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước…” - đại biểu Nghĩa nêu quan điểm.

Ông Nghĩa nói tiếp: “Không thể chấp nhận một lĩnh vực đầu tư yếu kém, làm tăng chi phí, không đủ tiền đầu tư rồi lại huy động các loại phí khác nhau để trả. Làm dự án BOT thì người dân lại phải đóng thêm tiền vào. Phí hạ tầng giao thông là thuế thu nhập trá hình khi Nhà nước vay vốn ODA để đầu tư”.

Nhìn ra thế giới, ông Nghĩa cho rằng nhiều nước, việc thu phí hạ tầng giao thông, cầu đường chỉ được thực hiện khi chứng minh đem lại giá trị gia tăng. Hoặc có những cung đường ghi rõ là được xây dựng bởi tiền người dân đóng góp, người dân chỉ trả thêm phí cho phần cải thiện đường.

Bức xúc việc lạm thu

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng không cần thiết quy định theo nguyên tắc chung phí là cơ bản của một phần chi phí. Bởi có những dịch vụ Nhà nước chỉ thu một phần, không thu toàn bộ chi phí khi Nhà nước chỉ bù lỗ một phần cho dịch vụ đó.

“Trong mức thu tối đa cũng không được vượt chi phí hợp lý, bởi có những trường hợp không nhất thiết phải thu tối đa, thu lệ phí cũng không được vượt chi phí hợp lý” - ông Nghĩa nói.

Nêu ý kiến về danh mục phí và lệ phí, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) phản ánh trong thực tiễn người dân bức xúc hiện tượng phí chồng phí, phí chồng thuế và việc lạm thu phí tại danh mục chi tiết trong các khoản thuế, phí.

Có thể rất dễ nhận thấy điều này trong phí giao thông đường bộ, phí kiểm dịch động thực vật… khi Chính phủ ban hành danh mục chi tiết đã có sự chồng chéo và trùng lắp.

“Đề nghị Chính phủ hằng năm phải báo cáo các danh mục chi tiết trong các khoản thuế, phí để QH cho ý kiến và có giám sát” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.

Mỗi năm thu 15.000 tỉ đồng phí trước bạ

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho biết nhiều đại biểu cho rằng lệ phí trước bạ thực chất là một loại thuế tài sản, do đó đề nghị không quy định trong Luật Phí và lệ phí.

Ông Hiển cho rằng lệ phí trước bạ là khoản thu liên quan đến quản lý tài sản. Số thu lệ phí trước bạ hằng năm đạt khoảng 15.000 tỉ đồng.

“Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đều có khoản thu liên quan đến đăng ký tài sản nhưng mỗi nước thực hiện phương pháp thu khác nhau. Do đó, để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đề nghị vẫn giữ quy định về lệ phí trước bạ như dự thảo luật” - ông Hiển nói.

Nhiều đại biểu đề nghị không thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Có ý kiến nhất trí cho phép thu nhưng đề nghị cần rà soát kỹ, quản lý chặt chẽ, tránh quy định không rõ ràng, dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, ông Hiển cho rằng việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác như điểm đỗ ô tô, xe máy,... đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện khá tốt và là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước.

Ông Hiển nói tiếp: “Thực tế ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố, nhất là tại các thành phố lớn nhằm phục vụ nhu cầu trông giữ xe máy, ô tô… Người được sử dụng lòng, hè đường phải nộp phí là đảm bảo công bằng trong việc sử dụng lòng đường, hè phố, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Do vậy, UBTVQH đề nghị giữ lại khoản phí này trong danh mục”.

Một số ý kiến đề nghị không chuyển học phí và viện phí sang cơ chế giá. Về vấn đề này, theo báo cáo của UBTVQH, theo quy định hiện hành, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước đã được chuyển sang cơ chế giá và đang được Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ.

Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo khi chuyển sang thực hiện cơ chế giá không gây khó khăn, bất lợi cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số.

“Do đó để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, UBTVQH đề nghị đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật” - ông Hiển cho hay.
***

Lương cơ sở tăng 60.000 đồng/tháng

Sáng 11-11, QH thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Theo đó, QH quyết định thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; bảo đảm thu nhập của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tiếp tục giữ mức tăng 8% như đã thực hiện năm 2015. Thời điểm thực hiện tăng lương cơ sở từ 1-5-2016.

QH đồng ý cho Chính phủ phát hành 60.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã được QH quyết định. Sử dụng 40.000 tỉ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển; trong đó sử dụng 30.000 tỉ đồng đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.

Thực hiện việc phát hành 3 tỉ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ.