Dân Trí - Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng rất nhiều công trình nhằm phục vụ tốt cho sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, nhiều công trình xây xong hoặc bỏ hoang hoặc không phát huy hiệu quả, hoạt động èo uột gây bức xúc trong dư luận người dân.
Hàng chục chợ xây xong... không ai vào mua bán
Trước hết, nhiều địa phương ở Sóc Trăng xây chợ hoành tráng với tiền đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, nhưng rất nhiều chợ sớm “chết yểu”.
Cụ thể, tại TP.Sóc Trăng có chợ Nhâm Lăng (phường 5) được đầu tư xây dựng với số tiền 675 triệu đồng, nhưng xây xong thì… bỏ trống, không ai vào buôn bán.
Ông Thạch Minh Phước (một người dân) cho biết, chợ Nhâm Lăng hoạt động không có hiệu quả vì nằm ở vị trí không thuận lợi, bởi gần chợ trung tâm TP Sóc Trăng và gần chợ Bông Sen (phường 6). Dân đã có ý kiến là không nên xây nhưng địa phương vẫn xây để bây giờ thành… nhà hoang.
Trong khi đó, ở phường 4 có chợ Sung Đinh được đầu tư xây dựng trên 2 tỷ đồng trên diện tích 3.000m2, nhưng hiện nay cũng trong tình trạng chỗ trống nhiều hơn chỗ mua bán.
Còn ở phường 2 có chợ Khánh Hùng cũng được đầu tư xây dựng trên 1,3 tỷ đồng, nhưng số lượng người mua bán không tấp nập như dự kiến quy hoạch ban đầu. Ở phường 8 cũng có một chợ được xây dựng với số tiền khoảng nửa tỷ đồng nhưng cùng cảnh ngộ với chợ Nhâm Lăng, chợ Sung Đinh.
Tại huyện Mỹ Tú có chợ xã Mỹ Thuận được đầu tư 495 triệu đồng. Tuy nhiên, chợ xây dựng xong nhiều năm cũng buôn bán èo uột vì người thuê không nhiều, khiến cho chợ hầu như vắng vẻ. Cũng ở huyện Mỹ Tú, chợ xã Thuận Hưng được xây dựng với kinh phí 350 triệu đồng, nhưng nay gần như đã chấm dứt hoạt động vì chỉ có lèo tèo mấy hộ vừa ở vừa mua bán.
Ông Lâm Xung - Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, cho biết: “Dù đã kiên trì vận động tiểu thương vào chợ buôn bán nhưng bà con không chịu vào vì địa thế không thuận lợi”.
Còn ở huyện Trần Đề có chợ xã Viên Bình xây dựng với số tiền trên 300 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, nay chỉ có vài ba hộ vào buôn bán, còn bà con tập trung bán ở ngoài lề đường.
Trong khi đó, huyện Châu Thành có chợ Bưng Tróp A được xây dựng với số tiền hàng tỷ đồng, nhưng lại thành chỗ phơi, chứa lúa, củi hay các nông sản khác của người dân...
Ở huyện Mỹ Xuyên, ngay tại thị trấn, một khu nhà lồng chợ được xây bề thế với kinh phí hàng trăm triệu đồng nhưng lại trái nẻo nên không ai thuê, nay chỉ để làm chỗ cho một vài hộ kinh doanh giải khát gần đó làm nơi đặt bàn cho khách ngồi… miễn phí.
Còn ở xã nông thôn mới Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), chợ xã được xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu đồng nhưng tuyệt nhiên không một người vào mua bán; trong khi đó, 2 bên đường trước chợ lại thành chợ khiến giao thông bị cản trở.
Ở huyện Cù Lao Dung có chợ Lồng Đầm (xã An Thạnh Đông), chợ xã An Thạnh 2 cũng được xây dựng hoành tráng nhưng không thu hút người vào mua bán.
Tại huyện Thạnh Trị, có chợ xã Lâm Kiết, chợ xã Lâm Tân cũng rơi vào cảnh ngộ như các chợ nói trên.
Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân chính là do các chợ nằm ở vị trí không thuận lợi, bởi gần đó có nhiều chợ quy mô hơn hoặc rất xa với các khu dân cư; chợ xây dựng không đảm bảo về kỹ thuật, xây dựng không đúng quy hoạch của ngành thương mại; một số chợ được xây dựng theo chủ quan của lãnh đạo địa phương;…
Nhiều trụ sở cơ quan, nhà văn hóa... "vắng tanh như chùa Bà Đanh"
Không chỉ chợ “vắng tanh như chùa Bà Đanh”, ở Sóc Trăng cũng còn khá nhiều trụ sở cơ quan, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng với kinh phí nhiều tỷ đồng nhưng hoặc bỏ hoang, hoặc hoạt động không hiệu quả.
Nhiều người dân ở TP Sóc Trăng rất ngạc nhiên khi cách đây mấy năm, họ thấy một công trình bề thế, hoành tráng mọc lên trên một khu đất hoang, xa trung tâm thành phố, xa khu dân cư, đó là Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng.
Một cán bộ đang công tác Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: “Vị trí xây dựng Trung tâm vốn là doanh trại bộ đội của tỉnh, sau đó đơn vị này chuyển đi nơi khác thì được sử dụng xây dựng Trung tâm Văn hóa tỉnh, nhưng nằm ở nơi vắng vẻ nên hoạt động cũng…vắng vẻ luôn”.
Điều đáng nói, ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng được đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tận các ấp nhưng hoạt động của các trụ sở này cũng không như mong muốn, thậm chí đóng cửa suốt năm suốt tháng, thiếu sự chăm sóc nên trở nên hoang vắng, đìu hiu, nhất là ở các xã vùng nông thôn.
Đến các xã Đại Tâm, Ngọc Tố, Tham Đôn của huyện Mỹ Xuyên, PV ghi nhận nhiều nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khá bề thế nhưng gần như không hoạt động, luôn cửa đóng then cài.
Gần đây nhất, ở thị xã ven biển Vĩnh Châu có 2 trụ sở cơ quan xây dựng xong nhưng cũng bị bỏ hoang, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng, mà nguyên nhân là do UBND thị xã Vĩnh Châu thu hồi đất xây dựng 2 trụ sở này không đúng quy định, bị dân khởi kiện đến tòa án.
Theo tìm hiểu của PV, khi xây dựng trụ sở các cơ quan trên, UBND thị xã Vĩnh Châu thu hồi đất của hộ ông Phan Văn Quyền không đúng quy định pháp luật nên bị ông Quyền khởi kiện, khiến cho các công trình xây xong phải bỏ hoang, trở thành nơi trú ngụ của chó, mèo, nhiều hạng mục đã hư hỏng nặng nề.
Ông Trần Hoàng Thắng - Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu xác nhận, 2 công trình xây dựng xong nhưng lại bỏ hoang là trụ sở Chi cục Thống kê và Kho bạc Nhà nước với kinh phí hàng chục tỷ đồng nhưng chưa hoạt động được vì… không có đường vào.