VNN - Đất bán hết rồi, Đà Nẵng trông vào đâu. Người dân Đà Nẵng cũng đang phải hát bài À í a (Lê Minh Sơn) theo cách của mình.
Có lẽ trước áp lực dư luận tuần qua về thông tin gây “sốc” sẽ di chuyển tòa nhà Trung tâm Hành chính t/p có hình “trái bắp” như dư luận xã hội bình luận, nhận xét, mới đây Ủy ban Nhân dân t/p Đà Nẵng ra thông cáo báo chí về vấn đề này.
Quả chuối và trái bắp
Thông cáo cho biết sau gần 02 năm đưa vào sử dụng, công trình tòa nhà đã xuất hiện một số hạn chế. Đó là chưa phù hợp so với yêu cầu thực tế hoạt động công vụ và yêu cầu kỹ thuật. Tại một số vị trí của khối tháp có tình trạng nóng, một số phòng họp trong từng thời điểm nhất định xuất hiện việc thiếu dưỡng khí.
Thông cáo cũng cho rằng việc quy hoạch xây dựng khu TTHC mới là ý tưởng ban đầu, tầm nhìn dài hạn, đang được giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cho phù hợp với quá trình phát triển đô thị nhanh chóng của t/p và phải đảm bảo tính hiệu quả, tiện lợi trên mọi phương diện (Tuổi trẻ, ngày 13/8)
Cho dù thông cáo mong muốn “giảm tải” dư luận xã hội, thì những thông tin từ chính t/p Đà Nẵng đưa ra như cách dọn đường, thăm dò dư luận về một chủ trương mới rất “nhạy cảm” của họ, vẫn cần được bàn luận thấu đáo.
Không “nhạy cảm” sao được nếu như trước đây 02 năm, TTHC Đà Đẵng khiến xã hội phải sửng sốt bởi sự xuất hiện: Cao gần 167m với hình dáng một ngọn hải đăng, do Công ty kỹ thuật kiến trúc Mooyoung Achitects & Engineers (Nam Hàn) thiết kế, TTHC là điểm nhấn cho cả t/p, được xem như biểu tượng mới, thể hiện khát vọng vươn khơi xa của Đà Nẵng.
Thế nhưng biểu tượng khát vọng này, đầu tư 880 tỷ đồng, nhanh chóng đội vốn tới 142% (tăng từ 880 tỷ đồng lên 2.131,3 tỷ đồng), đang trở thành biểu tượng... “thiếu oxy”. Với lý do xuất hiện tình trạng nóng, “thiếu dưỡng khí”, rất có thể TTHC hôm nay yêu mai có thể xa rồi. Biểu tượng mới đã thành rất… cũ.
Nghe thông tin, không ít người dân đã thấy … ngộp thở!
Bởi hơn 2000 tỷ đồng là tiền thuế của nhân dân, số đông còn tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ, đâu phải là con tôm con hến đánh bắt dễ dàng ở sông Hàn. Nhất là Đà Nẵng còn đang rất thiếu vốn đầu tư các công trình. Người dân Đà Nẵng còn đang phải chung sống với ô nhiễm môi trường- một bài toán nan giải.
Công bằng mà nói, khi TTHC “trái bắp” xuất hiện, được người Đà Nẵng khoe như một nét riêng đáng tự hào, không ít người dù không thuộc giới chuyên gia thiết kế đã mỉm cười.
Về hình dáng, giông giống Trung tâm tài chính London. Mà trong thiết kế, các TTHC bao giờ cũng có những chuẩn mực riêng, biểu tượng quyền uy của bộ máy chính quyền. Về công năng, việc tập trung cơ quan đầu não một tỉnh vào một khu nhà, chắc chắn thiếu…. khôn ngoan.
Nhưng người viết bài bỗng nhớ đến câu chuyện của cụ Hồ khi còn ở chiến khu, được một quan chức cao cấp kể lại. Khi đó, trên chiến khu nghèo lắm. Có một cán bộ hơi xấu tính về nết ăn. Bữa có nải chuối tiêu chín, vị đó cứ ngắm nghía rồi chọn quả ngon nhất. Cụ Hồ thấy vậy, tủm tỉm cười và bảo: Chú cứ chọn quả ngon nhất ăn, thì quả bé, quả xấu dành cho ai? Mặt vị cán bộ đỏ tận chân tóc. Một bài học thấm thía về ứng xử văn hóa và đạo lý con người.
Chợt nhớ ca từ của Trần Long Ẩn: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ biết giành phần ai?
Vậy nếu TTHC t/p di dời đi chỗ khác, thì tòa nhà “trái bắp” nóng và thiếu oxy này sẽ nhường cho ai… thở?
Biểu tượng “lãng phí”?
Không phải ai là người trong bộ máy chính quyền Đà Nẵng cũng đều đồng tình với chủ trương “dọn đường dư luận” này của t/p. Quan điểm của họ rất khác nhau, nhưng lại chung nhau ở “góc nhìn thẳng”- cần thông tin minh bạch và cải tạo lại chứ không nên di dời.
Hàng trăm bạn đọc gửi email về tòa soạn báo VietNamNet, đã cho thấy họ quan tâm và không đồng tình ra sao trước việc…. nhường “thiếu oxy” cho người khác của các quan chức Đà Nẵng.
Nếu như ông Nguyễn Cửu Loan (Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển t/p Đà Nẵng) cho rằng, TTHC vận hành mới 02 năm, giờ tính chuyện di dời, sự tính toán đó thật "khó nói và khó hiểu"; thì ông Trần Văn Lĩnh (Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng) nhận định, cần phải có những đánh giá cụ thể những mặt được, mặt hạn chế của tòa nhà. Thông tin đó phải công khai, minh bạch. Chứ không phải khi thích thì xây, giờ không thích thì bỏ (Dân trí, ngày 14/8).
Còn Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ Đà Nẵng Thái Bá Cảnh cho biết cụ thể hơn: Phòng làm việc của ông ở tầng 22, ông đã nhiều tuổi rồi nhưng vẫn không thấy vấn đề gì. Thời gian qua ông không nghe thấy ai đề cập việc thiếu ôxy. Một lãnh đạo Ban Quản lý TTHC Đà Nẵng thì cho biết, việc cung cấp ôxy cho tòa nhà do hệ thống máy vận hành tự động. Thời gian qua không có phản ánh nào! (VietNamNet, ngày 11/8)
Vậy thì dư luận thiếu ôxy ở đâu ra?
Khác biệt với quan niệm của các vị nói trên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, vấn đề của tòa cao ốc này là chi phí vận hành quá cao chứ không phải chuyện thiếu ôxy, do thiết kế kiến trúc của tòa nhà chỉ phù hợp với với vùng khí hậu lạnh, không phù hợp khí hậu nhiệt đới như Đà Nẵng. Chính vì vậy, để khắc phục nhược điểm của tòa nhà, chính quyền Đà Nẵng nên cải tạo lại tòa nhà theo hướng đầu tư thêm các lam che nắng, mở các không gian thông thoáng tự nhiên (tháo bớt kính bao phủ). Theo ông, nếu làm điều này sẽ giảm được 50% độ nóng của tòa nhà. Và khi đó, Đà Nẵng không cần phải di dời TTHC quá tốn kém nữa!
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn còn lưu ý, để tránh những sai lầm tương tự, Bộ Xây dựng cần ban hành quy định về tỷ lệ phần trăm diện tích kính bao mặt tiền của các cao ốc cũng như kiểm soát các công trình có kiến trúc hao tốn điện năng (TBKTSG, ngày12/8)
Đây có thể coi là đề xuất khả dĩ nhất của người có chuyên môn. Một phương án đỡ xấu nhất trong các phương án.
Đà Nẵng tuy thay da đổi thịt nhanh chóng, nhưng thực chất sự phát triển nóng cũng từng là một vấn đề khiến dư luận xã hội chú ý. Bởi không trông vào đâu khác, ngoài sự “đổi đất lấy hạ tầng”. Con số thất thu 3.400 tỷ đồng ngân sách Nhà nước từng khiến cho lãnh đạo t/p này bị kiểm điểm vì những vi phạm về san lấp, giải tỏa, chuyển quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất…, trong một thời gian dài không bị phát hiện, kịp thời xử lý.
Đất bán hết rồi, Đà Nẵng trông vào đâu. Người dân Đà Nẵng cũng đang phải hát bài À í a (Lê Minh Sơn) theo cách của mình.
Chả lẽ giờ đây, lấy hạ tầng đổi… hạ tầng?
Chả lẽ biểu tượng mới thành “biểu tượng” lãng phí, cách nhau chỉ cần…. 02 năm?