VNN - Làn sóng hâm mộ “Pokemon Go” đã trùm khắp thế giới, nên người ta không chút nghi ngờ rằng nó sẽ dễ dàng "nhấn chìm" Việt Nam – một quốc gia có “cộng đồng mạng” gần như không có chút sức đề kháng nào.
Bức tranh này có tiêu đề “Control” (Kiểm soát), do Pawel Kuczynski – một họa sĩ theo trường phái biếm họa chính trị nổi tiếng của Ba Lan – đưa lên trang Facebook vào ngày 27/7 vừa qua. Rất có tính thời sự, bức tranh biểu thị sự lo ngại khi trò chơi “Pokemon Go” phổ biến tại Ba Lan. Hẳn nhiều người đồng tình với sự lo ngại này, bởi bức “Control” được 281 nghìn lượt yêu thích, và hơn 274 nghìn lượt chia sẻ - những con số khá lớn cho một bức biếm họa đăng tải qua mạng.
Thực tế đúng là như vậy, 3 ngày sau khi bức tranh được đưa lên mạng, thì tại Đại học Warsaw’s Vistula University, cuộc thi đấu trò chơi “Pokemon Go” cấp quốc tế lần đầu tiên được tổ chức. Đấu thủ có điểm số cao nhất, sẽ giành được 1 năm học bổng của ĐH tư nhân đắt đỏ nhất Ba Lan này.
Làn sóng hâm mộ “Pokemon Go” đã trùm khắp thế giới, nên người ta không chút nghi ngờ rằng nó sẽ dễ dàng "nhấn chìm" Việt Nam – một quốc gia có “cộng đồng mạng” gần như không có chút sức đề kháng nào. Quả vậy, những gì diễn ra trên khắp thế giới xung quanh sức mê hoặc của trò chơi “Pokemon Go”, thì chỉ trong vòng 1 tuần đã tái hiện đầy đủ ở Việt Nam.
Những đoàn người hối hả chạy đuổi bắt Pokemon, trong khi mắt vẫn dán vào màn hình điện thoại hay máy tính bảng. Những chiếc xe chạy tà tà bên đường, hay đột nhiên khựng lại ngay giữa ngã tư, khi chủ nhân đang mải mê dò tìm “yêu quái”. Những ông bố, bà mẹ đưa con tới công viên vui chơi, nhưng rồi mặc đứa trẻ loay hoay dưới nắng, còn bản thân thì lùng khắp gốc cây bụi cỏ tìm Pokemon. Những tin nhắn cãi vã, những bức ảnh cười ra nước mắt, những cảnh báo và cả những “mẹo hack game” tràn ngập khắp mạng xã hội và các trang tin điện tử.
Nhưng, cộng đồng mạnh Việt Nam luôn có cách để chứng tỏ sự khác biệt của mình với thế giới. Ngày 10/8 vừa qua, Cộng đồng những người tình nguyện xây dựng bản đồ Google Việt Nam đã phải gửi thư ngỏ tới… cộng đồng người chơi “Pokemon Go”. Bức thư đại ý kêu gọi (nhưng với giọng gần như là khóc lóc), người chơi “Pokemon Go” đừng phá hoại bản đồ nữa. Bởi vì để tiện lợi hơn, có kết quả nhanh hơn, bắt được nhiều “yêu quái” hơn, thì có những người chơi sẵn sàng tạo vị trí spam hàng loạt, tạo các vị trí giả mạo trên dữ liệu bản đồ và thậm chí là di chuyển các vị trí công trình công cộng cùng các danh thắng quan trọng đi lung tung (thường là đến sát…nhà mình).
Người chơi Pokemon trên thế giới cũng nghĩ ra nhiều thủ đoạn để “ăn gian” (hack), như gắn điện thoại vào cánh quạt máy để đỡ phải đi bộ, bắn “trứng bắt yêu” bằng thiết bị tự tạo để đảm bảo trăm phát trăm trúng… Nhưng đến mức phá hoại cả dữ liệu bản đồ mở để chơi, thì hiện mới chỉ có Việt Nam.
Không biết những game thủ “Pokemon Go” sẽ cảm thấy thế nào khi cuốc bộ nhiều cây số để “tầm yêu bắt quái”, còn một số ma mãnh hơn, thì ngồi nhà và hack game. Chính mắt người viết, đã nhìn thấy 1 chủ tiệm bán điện thoại ngồi chơi “Pokemon Go” bằng laptop, hack bản đồ, và thong dong đi khắp…thế giới mà chẳng cần tốn giọt mồ hôi nào. Những trò láu cá như thế, cộng đồng Việt Nam luôn đi đầu thế giới.
Và điều thú vị là, Pokemon khiến mọi vấn đề bức xúc của xã hội gần như biến mất khỏi màn hình điện thoại. Trong khoảng 10 ngày Pokemon bắt đầu vào Việt Nam, thì ở Hà Nội có 1 ngôi nhà sập khiến 2 người chết, 1 cây cầu mấy tỷ đồng chưa xây xong đã sập ở Cà Mau, hàng nghìn nhà vệ sinh công cộng dự tính được xây mới ở Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, lũ dữ cô lập một loạt huyện biên giới miền núi phía Bắc.
Đâu đó trên báo chí hoặc mạng xã hội có nhắc tới những sự kiện này, nhưng cơ bản là công chúng bỏ trôi qua như những tin tức nhạt nhẽo bình thường. Có người nói vui, ở Việt Nam thời gian này, ngoài vận động viên Hoàng Xuân Vinh với 2 huy chương vàng và bạc ở Olympic ra, thì khó có ai hay điều gì cạnh tranh được với những “yêu quái” Pokemon.
Nhiều người đã phản đối quan điểm mà Gustve Le Bon viết trong cuốn sách nổi tiếng “Tâm lý học đám đông”: …Chỉ riêng việc biến mình thành bộ phận trong một đám đông có tổ chức, con người đã tụt xuống nhiều nấc trong thang bậc văn minh.
Le Bon lập luận như vậy, bởi ông cho rằng đám đông luôn triệt tiêu nhân cách có ý thức, thậm trí triệt tiêu luôn cả ý thức, nương theo bản năng đến mức gần như là trạng thái thôi miên, và đưa trí tuệ của tất cả các cá nhân nổi trội về 1 mặt bằng chung.
Ứng dụng Yahoo! vừa chính thức giã từ thế giới. Hàng triệu người sử dụng internet Việt Nam giật mình nhận ra, mình đã từng mải mê “chat” nhiều ngày tháng với Yahoo! Messenger, đã từng tận tâm tận lực viết “blog” với Yahoo!360, và rồi nhanh chóng lãng quên với làn sóng Facebook.
Hóa ra, sự sâu sắc hay cuồng nhiệt say mê, cũng có trào lưu cả. Những đám đông đi hết từ cơn cuồng này tới cơn cuồng khác, chỉ có những người tạo ra những cơn cuồng thì bình tĩnh mỉm cười.
À vâng, còn những thân phận nào phải khóc, thì cứ khóc.