Dân Trí - Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp thẩm định nêu rõ, Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ, chồng, cha, mẹ, con,... của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Theo dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức họp báo định kỳ và thực hiện quy chế phát ngôn theo quy định của pháp luật.
Đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà dư luận xã hội quan tâm thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đó phải xem xét tổ chức họp báo đột xuất hoặc cử người phát ngôn cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc có liên quan.
Cơ quan kiểm tra của Đảng, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp tổ chức họp báo định kỳ, họp báo đột xuất hoặc cử người phát ngôn cung cấp thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Trong trường hợp báo chí đăng tải thông tin có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, giải trình. Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng tải công khai nội dung giải trình trên báo.
Công khai tình hình tham nhũng trên cả nước vào ngày 9/12 hàng năm
Dự thảo luật đề xuất, hàng năm, cơ quan nhà nước có trách nhiệm xây dựng báo cáo, công khai báo cáo về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng. Việc báo cáo, công khai báo cáo được thực hiện như sau: Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của mình;Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán nhà nước; VKSND Tối cao báo cáo Quốc hội tình hình tham nhũng và công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng trong phạm vi cả nước; UBND các cấp báo cáo HĐND cùng cấp về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương.
Quốc hội thông qua Báo cáo thường niên về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước, tổ chức công bố công khai vào ngày 9/12 hàng năm.
Một điểm mới của dự thảo luật được đưa ra tại Điều 20 về Báo cáo, công khai báo cáo về đo lường, đánh giá thực trạng tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, hàng năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức, cá nhân khác xây dựng báo cáo, công khai báo cáo về đo lường, đánh giá thực trạng tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Việc đo lường, đánh giá thực trạng tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng phải đảm bảo tính khách quan, khoa học, toàn diện và có sự tham gia của xã hội.
Dự thảo luật cũng đưa ra rất nhiều điểm mới về quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không được cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh đối với tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết công việc.
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được để vợ, chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
Người là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng, cho phép tham gia đấu thầu đối với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu hoặc bố trí những người này giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
Giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh viên, cán bộ
Một điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng lần này là quy định cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục về liêm chính vào chương trình giảng dạy nhằm xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống và văn hóa chống tham nhũng cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, phê duyệt, ban hành chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy về liêm chính; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên, giảng viên giảng dạy về liêm chính; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, đánh giá việc giảng dạy về liêm chính…
Dự thảo luật cũng nêu rõ các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, trong đó có: Hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tín dụng, ngân hàng, tài sản của nhà nước; hoạt động hải quan, thuế, kho bạc, dự trữ quốc gia; quản lý và thực hiện nghiệp vụ kế toán, kiểm toán; Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa, quản lý thị trường, kiểm lâm;
Cấp phép hoạt động ngân hàng, hoạt động ngoại hối; thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng; quản lý và thực hiện nghiệp vụ tín dụng tại các tổ chức tín dụng nhà nước; thẩm định và cho vay tín dụng; công chứng viên, chấp hành viên thi hành án dân sự; hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;
Cảnh sát giao thông, cảnh sát tư pháp, cảnh sát quản lý trại giam, cảnh sát hộ khẩu, cảnh sát điều tra, cảnh sát kinh tế, cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự hành chính, cảnh sát đăng ký, quản lý vũ khí, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và con dấu, cảnh sát đăng ký và quản lý hộ khẩu, cảnh sát hướng dẫn và kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy, cảnh sát làm công tác hậu cần, an ninh kinh tế, an ninh điều tra, quản lý xuất cảnh...
Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là từ 2 năm (đủ 24 tháng) đến 5 năm (đủ 60 tháng) theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
***
Thanh toán qua tài khoản mọi khoản chi có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng được Thanh tra Chính phủ xây dựng đề xuất người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thanh toán qua tài khoản mọi khoản chi có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên trừ trưởng hợp ở những địa bàn chưa đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện theo danh mục do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng năm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện việc thanh toán qua tài khoản được mở tại ngân hàng, Kho bạc nhà nước đối với mọi khoản thu, chi có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.
Mọi khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều phải thực hiện thông qua tài khoản. Doanh nghiệp phải thực hiện việc chi trả thông qua tài khoản đối với tiền lương, thưởng và các khoản chi khác cho người giữ chức danh quản lý và người lao động trong doanh nghiệp.