Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

“Nhiều quan chức “chết lâm sàng” khi không còn chức!'

Khánh An

Petrotimes - Câu chuyện bàn giao xe công vụ và phòng làm việc trước khi về hưu 2 tháng của nguyên Phó chủ nhiệm một ủy ban của Quốc hội Lê Như Tiến được dư luận quan tâm. Một việc làm bình thường, bỗng nhiên trở nên khác thường trong thời buổi hiện nay. 

Báo PetroTimes đã có cuộc trao đổi với nhà viết kịch Chu Thơm xung quanh câu chuyện này.

PV: Việc ông Lê Như Tiến bàn giao trước ngày nghỉ xe công vụ và phòng làm việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, bởi khi một việc làm được cho là đương nhiên lại trở thành “chuyện lạ”?

Nhà viết kịch Chu Thơm: Lạ, bởi vì nước ta là một đất nước có quá nhiều chuyện lạ, xã hội đang không bình thường, khi con đường dài nhất không phải là từ Mục Năm Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức. Tư duy hoàng hôn nhiệm kỳ, chuyến tàu vét. Và hội chứng “Ký chạy hưu” bổ nhiệm tùm lum ngay trước ngày nghỉ hưu. Sợi dây dài nhất là sợi dây rút kinh nghiệm và theo nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn thị Doan nói về những kẻ tham nhũng: “người ta ăn của dân không từ cái gì”

Lạ, bởi có rất nhiều cán bộ công chức gần đến tuổi nghỉ hưu lại bày trò xác minh lại năm sinh để lùi tuổi, để được xin ở lại một vài năm hoặc viện lý do chưa có người đủ tâm, đủ tầm lãnh đạo cơ quan để bàn giao. Họ coi cái xe công nhà nước cấp như xe riêng của mình, dùng nó để đi lễ chùa, đi ăn cưới, dùng trong sinh hoạt gia đình, xăng có nhà nước lo, hỏng hóc nhà nước chi tiền sửa như là một bổng lộc bất thành văn nên đến ngày nghỉ phải trả thì lưu luyến không đành lòng xa nó nên cố dây dưa, câu giờ, kéo dài thời gian sử dụng vượt qua mọi trí tưởng tượng của những người viết chuyện cổ tích, viễn tưởng đã biến chuyện trên của ông Lê Như Tiến một chuyện không có gì trở nên ầm ĩ.

PV: Trước đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng viết “Người không quen ở nhà mình” phản ánh một bộ phận quan chức còn “lưu luyến” chức vị trong khi nhẽ ra, việc về hưu khi hết thời gian công tác là chuyện bình thường. Tại sao những chuyện bình thường như thế lại được cho là bất thường trong xã hội ngày nay, thưa ông?

Nhà viết kịch Chu Thơm: Tác giả Đăng Chương có một vở kịch tên là “Nắng quái chiều hôm” kể chuyện một ông quan đã về hưu nhưng sáng nào cũng comple cravat xách cặp ra trước cửa đợi xe đến đón khiến vợ con ngỡ ngàng. Họ nghĩ ông ấy bị lẩn thẩn. Còn tôi thì nghĩ ông ta đã coi căn phòng làm việc đầy đủ tiện nghi, máy điều hoà hai chiều nóng lạnh, nơi có bầu không khí vô cùng dễ chịu với những lời tâng bốc hoặc những cử chỉ khúm núm của cấp dưới, điện thoại, internet dùng vô tư không phải trả tiền, hơn cả căn phòng ở nhà như một chất gây nghiện dần dà đã làm các ông quan bị “ngáo ghế”, “ngáo xe, nhà công vụ” như căn bệnh ngáo đá, ngáo “phây” và gần đây “ngáo Pokemon Go”. Chức quyền đối với họ như sâm trong miệng, nhả ra khác nào nhả bổng lộc là chết.

PV: Ông có nghĩ rằng việc làm này của ông Tiến là tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở đối với những người đã đến thời điểm“hoàng hôn nhiệm kỳ”?

Nhà viết kịch Chu Thơm: Chuông ư? Trước ông Tiến đã có không ít người gióng chuông cảnh tỉnh. Vấn đề người nghe chuông có cảm thấy nó là chuông cảnh tỉnh không hay là chỉ coi nó như tiếng kêu của một gã đạo đức bị bạc đãi nên phủi tay: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! khiến cho những tiếng chuông cảnh tỉnh ấy lâm vào hoàn cảnh “câu nói ác chết trong tai kẻ điếc” trong hoàn cảnh “Người tốt thì nhiều, người biết điều thì ít”.

Có một sự so sánh thế này: Những người lao động chân chính làm quần quật trên trời, dưới biển, trên đất liền mà cũng chỉ đủ ăn, còn những vị quan tham chỉ cần bò quanh miệng ghế trong phòng máy lạnh mát rượi vẫn ăn đủ. Vì thế mà họ tham quyền cố vị, bám ghế, bám chức đến hơi thở cuối cùng, quyết không chết vì hưu đối với họ là chết.

Nhìn ra thế giới, ta thấy mặc dù Microsoft luôn đóng vai trò trung tâm và ăn sâu vào cuộc sống cá nhân của Bill Gates, đến mức nhiều lần đáng ra phải tới một nơi khác, ông lại lái xe đến trụ sở, nhưng Bill vẫn quyết tâm rời Microsoft để trao cơ hội lớn cho những người kế nhiệm để họ thực hiện những bước tiến mới tập đoàn phần mềm nổi tiếng mà nhiều năm ông làm Giám đốc điều hành. Ngày chia tay về hưu, ông đã khóc vì sung sướng khi đã tìm được những người kế nhiệm mà mình tin tưởng.

Rồi qua chuyện đương kim tổng thống Mỹ Obama, mặc dù đầu năm 2017 mới rời Nhà Trắng ngay từ vài tháng trước đã thuê một căn biệt thự ở Washington DC để cô con gái út Sasha có thể hoàn tất việc học mà không bị gián đoạn, ta thấy quan chức của họ về hưu tâm trạng thanh thản quá. Có lẽ bởi người ta hiểu quy luật: bất cứ người nào dù quyền cao, chức trọng đến đâu thì rồi cũng có lúc phải nghỉ hưu. Thế mà tại sao một số cán bộ, công chức của ta lại coi chuyện nghỉ hưu là nặng nề thế? Quy luật muôn đời Sinh lão bệnh tử, đối với họ, nay trước tử là hưu. Họ đã chết lâm sàng từ khi không còn chức.

Nhà thơ Hoàng Ngọc Liên từng viết: “Khép cánh màn nhung danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường” như là đúc kết về lẽ sống ở đời, nhưng liệu những vị quan tham có chấp nhận lẽ sống đó, hay khăng khăng không chịu “cởi áo, lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường” nên coi chuyện nghỉ hưu là một Đoạn trường tân thanh - nỗi đau đứt ruột?!

PV: Xin cảm ơn nhà viết kịch!