VNN - Chuyện liên quan đến mất tiền trong tài khoản ngân hàng đang gây xôn xao dư luận, khiến các chủ tài khoản lo lắng.
Tài khoản nào cho cuộc đời?
Từ scandal của VCB đến VPBank, các chủ tài khoản ngân hàng đang ít nhiều lo lắng cho tài sản của mình. Tôi đọc trên Facebook của cô bạn: ‘Có một điều chắc chắn là chẳng có gì chắc chắn cả’. Đây nhé, có tiền mua nhà sợ BĐS trồi sụt, tiền chết không sinh lãi; để vàng trong nhà sợ trộm cướp, ôm tiền mặt sợ trượt giá, mối xông… Giờ để tiền ở ngân hàng cũng không cánh mà bay sau một đêm.
Một lần đi công tác ở Chiang Mai, Thái Lan, một chuyên gia i Mỹ, có vợ là người Thái đưa chúng tôi về ngôi nhà ngoại ô của vợ chồng ông. Nhà do một chị giúp việc Miến Điện trông nom. Chị giúp việc là nạn nhân của cuộc xung đột tôn giáo ở quê hương phải bỏ xứ mà đi. Chị đã sang Thái và may mắn được vợ chồng ông cưu mang.
Không quê hương, không người thân vì bị thất lạc gia đình trong hành trình chạy trốn. Gia đình ông chuyên gia được coi là gia đình thứ hai của chị, nhưng chị vẫn cứ băn khoăn không biết cất tiền lương ở đâu?
Nhờ sự giúp đỡ của ông bà chủ tốt bụng, chị mở tài khoản ngân hàng. Tài khoản này không chỉ là nơi giữ tiền, mà còn là nơi chứa đựng sự riêng tư, hy vọng, tương lai… của chị. Vì suy cho cùng, ngôi nhà thênh thang nơi chị đang được bao bọc không phải nhà của chị, lòng tốt của ông bà chủ không có gì đảm bảo sẽ tồn tại mãi…
Câu chuyện làm tôi nhớ đến những người xuất khẩu lao động nước ngoài mà tôi từng gặp. Hầu hết họ đều nghèo và cháy bỏng ước mơ đổi đời. Họ bỏ xứ đi ra nước ngoài làm thuê cho dù ở quê nhà công việc vẫn ổn, tuy không giàu nhưng đủ sống. Họ hăm hở đi và chắt chiu từng đồng lương và gửi hết về gia đình nơi cất giữ tài khoản cuộc đời của họ.
Không hiếm kịch đã được phơi bày trên khắp mặt báo. Có những người chồng/vợ/con ở nhà sau một thời gian nguôi ngoai nỗi nhớ và cảm giác xót xa người thân phải bươn chải nơi đất khách quê người. Sau khi có tiền gửi về, họ tậu quần áo đẹp hơn, xe máy đúng mốt, tivi xịn, thậm chí cất nhà khang trang hơn. Có những những trường hợp người ra đi sau một thời gian tằn tiện, bóp mồm bóp miệng nơi đất khách chợt nhận ra, tiền gửi về không chỉ để đổi đời cho con, mà còn phải giúp cháu họ xin việc, giúp cô dì trả nợ…
Tôi nhớ mãi chuyện của một gia đình nông dân ở Bắc Giang. Cuộc sống vốn bình an bên đồng lúa, đồi vải cho đến khi chị vợ quyết định sang Đài Loan làm giúp việc. Hy vọng có một khoản tiền kha khá giúp con con thoát ly nghề nông, còn lại sẽ sửa sang lại cái nhà. Tất cả tiền kiếm được, chị đều gửi về cho chồng. Lúc đầu những khoản tiền này được đầu tư chu đáo cho con cái học hành, mua sắm tiện nghi mới cho gia đình. Nhưng rồi sau đó anh chị em bên chồng, thậm chí cháu chồng cũng tìm đến vay mượn. Và cái kết là những khoản tiền chị chắt chiu gửi về còn được dùng đề nuôi bồ của chồng chị.
Người đàn ông, sau khi vợ đi xa đã bỏ là, chỉ ngồi sẵn chờ tiền vợ gửi về. Rồi rảnh rỗi có bồ, mấy đứa con vất vơ. Chị vợ về nước, sau trận ghen tuông tơi tả, vợ chồng ly dị, Chị tay trắng.
Trên báo thi thoảng lại xuất hiện những câu chuyện buồn. Con cái tìm cách chiếm nhà, đuổi cha/mẹ già ra đường. Những chuyện này trước đây chỉ là cá biệt, nhưng có vẻ giờ đây đang ngày càng nhiều lên.
‘Nước mắt chảy xuôi’, dường như đã ăn sâu thành nếp sống của nhiều người Việt như một thứ nghĩa vụ cho dù rất vô lý. Nhiều người đã quen dồn tất cả vốn liếng cuộc đời vào một ‘tài khoản’ là vợ/chồng/con cái. Ai biết đâu giờ đây, thứ “tài khoản” này cũng đã trở nên mong manh đổ bể.
Biết đâu, sau những di hại do môi trường biển, tới đây sẽ có thêm vài triệu ngư dân bỏ xứ đi xuất khẩu lao động. Họ sẽ chọn nơi nào để gửi giữ tài khoản cuộc đời sau bao nhiêu khó nhọc vừa qua. Thật tình tôi không dám nghĩ tiếp.