VNN - Đèn vàng và đèn đỏ khác nhau về nội dung, hành vi, hiệu lệnh. Xử lý như nhau nên thiếu logic - bạn đọc Trần Văn Tường (TP.HCM) băn khoăn.
Nhiều người còn đang tranh cãi và cho rằng, khó xử lý tình huống trong tham gia giao thông, sẽ mất công bằng khi mà vượt đèn vàng hay đèn đỏ đều bị phạt tiền như nhau. Cụ thể, xe hơi phạt lên tới 2 triệu đồng và xe máy là 400.000 đồng.
Trong tham gia giao thông, đèn vàng có chức năng cảnh báo, báo hiệu sự thay đổi tín hiệu từ đèn xanh sang đỏ, giúp người điều khiển xe không bị động khi xử lý tình huống.
Luật giao thông đường bộ năm 2008 tại khoản 3 điều 10 nêu rõ, khi có tín hiệu đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ khi đã đi quá vạch thì được đi tiếp. Rõ ràng theo quy định, không được vượt đèn vàng, có người biết vậy nhưng có những tình huống không thể chủ động để xử lý an toàn, đành vi phạm.
Cảnh sát giao thông có khi thấy người vượt đèn vàng, không phạt vì cho rằng xử lý trong tình huống đó vẫn an toàn hơn thắng xe dừng gấp. Nhờ vậy, người tham gia giao thông có thể chủ động xử lý tình huống. Nếu dừng xe đột ngột có thể nguy hiểm, người phía sau không sẵn sàng xử lý tình huống bất ngờ, dễ dẫn đến tình trạng xe sau tông vào đuôi xe trước, thực tế đã xảy ra.
Ví dụ đang lưu thông với vận tốc 50km/giờ, khi đến gần vạch dừng, bỗng đèn xanh chuyển qua đèn vàng, dừng gấp thì nguy hiểm, vượt thì bị phạt, phải xử lý sao cho phù hợp?
Sẽ tranh cãi giữa cảnh sát và người bị phạt
Nếu cứng nhắc phạt vượt đèn vàng giống như đèn đỏ mà không xét tình huống cụ thể, e rằng sẽ gây khó. Bởi muốn xử lý phải có chứng cứ, hình ảnh chứng minh trong khi chưa trang bị đầy đủ camera trên đường. Không loại trừ khả năng tranh cãi giữa cảnh sát giao thông và người bị phạt hoặc lúc phạt, lúc không.
Ngoài ra, ở nước ta phần lớn sử dụng xe gắn máy. Ở các đô thị lớn tại nhiều nút giao thông lại thiếu đồng hồ hiển thị đếm ngược thời gian. Vậy phải gắn đồng hồ đếm ngược thời gian tại tất cả trụ đèn tín hiệu giao thông? Đó là chưa kể, người điều khiển phương tiện không thể chủ động tình huống khi đến gần vạch dừng nếu bất ngờ đèn xanh chuyển sang đèn vàng, dừng xe đột ngột có khi lại mất an toàn, người đi sau không kịp xử lý.
Trong khi luật Giao thông cho phép trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy vẫn được đi tiếp nhưng giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ. Vậy trong trường hợp này, theo quy định mới phải dừng, không vượt đèn vàng, liệu có phù hợp?
Do quy định phạt vượt đèn vàng giống như đèn đỏ, vô tình làm mất đi vai trò và ý nghĩ của đèn vàng. Thành ra, có ý kiến đề xuất bỏ đèn vàng, chỉ sử dụng đèn xanh và đèn đỏ. Tôi cho rằng bỏ đèn vàng là không phù hợp với giao thông ở nước ta, nhất là tại các đô thị lớn. Đèn vàng dù chỉ trong một vài giây còn để cho dòng xe thoát ra khỏi phạm vi xung đột trước khi chuyển sang đèn đỏ, xe lưu thông khi đèn xanh được bật lên.
Nhiều ý kiến ủng hộ phạt vượt đèn vàng nhưng chưa đồng tình với mức phạt bằng nhau, xem đèn vàng giống như đèn đỏ.
Tăng độ trễ của đèn vàng
Để an toàn giao thông và giảm kẹt xe, không nhất thiết phải tăng mức phạt quá cao, mà có thể tổ chức giao thông phù hợp thực tiễn. Quan sát thấy một số nút giao thông có điều chỉnh thời lượng hoạt động đèn rất khoa học, an toàn cho các phương tiện. Thay vì đèn vàng hoạt động trong khoảng 3 giây thì được điều chỉnh tăng thời lượng từ 7 giây đến 10 giây, rồi đèn xanh và đèn đỏ mới được bật lên.
Nhờ điều chỉnh độ trễ của đèn, giúp nút giao thông luôn thông thoáng trong quá trình chuyển đèn. Lúc đó, tùy tình huống mà người điều khiển xe kịp dừng lại hay ra khỏi phạm vi xung đột để tránh nguy hiểm.
Quy định pháp luật áp dụng hiệu quả trong đời sống cần có cơ sở để thực thi, công bằng với từng huống cụ thể, người dân sẽ ủng hộ. Đèn vàng để cảnh báo. Đèn đỏ để cấm. Hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, không đồng nhất khi vi phạm, phạt tiền bằng nhau có vẻ không hợp lý, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Nên chăng chỉ phạt vượt đèn vàng trong tình huống cố ý, gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông, thấp hơn mức phạt vượt đèn đỏ.