Petrotimes - Sau hơn nửa năm, số tiền 2.000 tỷ đồng Chính phủ quyết định hỗ trợ cho các tỉnh ĐBSCL bị hạn mặn để cứu hạn cấp tốc vẫn chưa được giải ngân vì các quan vẫn bàn bạc.
Cay đắng nhất là sắp dến chu kỳ hạn mặn mới mà tiền hỗ trợ cho kỳ hạn mạn trước vẫn nằm trong két. Sự thật đắng lòng mới bị lộ diện: Dân có cần nhưng quan không vội.
Quan ở đây là Bộ KH-ĐT chưa hoàn thành việc phân bổ theo yêu cầu của Thủ tướng…
Với tư cách Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thực hiện cuộc kiểm tra đầu tiên tại Bộ KH-ĐT đã phát hiện ra việc này.
Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã cùng thống nhất hành động theo lời tuyên thệ của Thủ tướng là quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động. Và một Chính phủ kiến tạo đã không được vận hành như chỉ đạo. Một quyết định đắc nhân tâm, cứu hạn như cứu hỏa của Chính phủ do liên bộ thực hiện đã không được thực hiện nghiêm túc.
Ai cũng biết trong 6 tháng qua lãnh đạo các bộ ngành có thay đổi và đây rất có thể trở thành lý do để người ta “thanh minh thanh nga” khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Những việc giải ngân khoản kinh phí hỗ trợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long này liên quan rất trực tiếp đến hoạt động của Bộ KH-ĐT. Vai trò đề xuất, tham mưu của Bộ KH-ĐT trong việc này cần được kiểm điểm nghiêm túc và quy trách nhiệm cụ thể.
Theo tinh thần “không thể tiếp tục bắn chỉ thiên” mà phải “bắn” có mục tiêu, mục đích, làm là phải có kiểm tra của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, đó chính là tư tưởng chủ đạo của người đứng đầu Chính phủ .
Tuy nhiên, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng lại chỉ cho rằng đoàn công tác của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đến để đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng. Nhưng nếu không kiểm tra thì làm sao biết được thực trạng chậm giải ngân 2000 tỷ đồng cứu hạn cho nông dân?
Vì vậy, đoàn công tác “truy vấn” trực tiếp việc phân bổ 2000 tỷ đồng khắc phục hạn mặn cho các tỉnh ĐBSCL đầu năm 2016. Rõ ràng, đây là một việc rất cấp bách được giao phải thực hiện ngay mà vẫn loay hoay họp ban không thực hiên đến nơi đến chốn.
Các chuyên gia nhận xét, là khoản tiền không nhiều nhưng đã có nguồn chi, nơi chi được xác định là việc cấp thiết, đáng ra phải thực hiện phân bổ ngay sau 15 -20 ngày nhưng đã để quá hạn.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận ông cũng rất sốt ruột vì sắp đến chu kỳ hạn mặn nữa mà vẫn chưa bất kỳ tỉnh nào rút được 1 đồng tiền hỗ trợ. Tiền chưa thể đến với bà con để cứu cây trồng chỉ vì cách làm việc cắc cớ của Bộ KH-ĐT và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Thì ra có chuyện ông nói gà bà nói vịt .
Ông Kế hoạch thì muốn phân bổ đều, mỗi tỉnh bị hạn mặn được khoảng 80 tỷ đồng để giải quyết ngay việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng… Nhưng bà Nông nghiệp lại muốn đưa một số dự án dang dở của ngành vào để có thêm nguồn vốn thực hiện.
Thế là 2000 tỷ đồng bị tắc đến nay, họp đi họp lại nhiều lần, cuối cùng phải chấp nhận bổ sung thêm một vài danh mục nhỏ như yêu cầu của ngành nông nghiệp.
Chủ trương của Thủ tướng là xử lý cấp bách để giải quyết tình trạng hạn mặn, đơn giản thủ tục để triển khai được ngay. Vậy mà giờ bao nhiêu cà phê, hồ tiêu bị hạn đã chết lâu rồi, đâu thể chờ các bộ họp xong được”.
Theo tổ trưởng tổ công tác, nếu việc này làm được từ tháng 5, tháng 6 vừa qua có thể đã mang lại bao hiệu quả trực tiếp . Địa phương khi được thông báo về giải pháp hỗ trợ này cũng mừng lắm vì tưởng sẽ có tiền ngay để cứu lúa, cứu cà phê, không phải chờ. Nhưng kết cục thì như vậy. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, chúng ta không thể ngồi trên mây gió rồi phân công, giao việc.
Thực ra khi có sự chưa đồng thuận với Bộ Nông nghiệp như vậy, Bộ KH-ĐT phải chủ động báo cáo Chính phủ ngay chứ cứ ngồi chờ để thống nhất được ý kiến với nhau thì cây trồng chết khô lâu rồi.
Mong rằng, việc hậu kiểm cũng cần làm rõ ai, khâu nào đủng đỉnh trong cứu hạn để kiểm điểm thực sự!