Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói tài sản cán bộ không phải bí mật quốc gia

QUỐC TOẢN

(GDVN) - "Tài sản của cán bộ đã công khai để giám sát không gọi là bí mật quốc gia..."

Ngày 27/3, tại buổi họp báo quý 1/2017, ông Trần Đình Quỳnh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho biết các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc hồ sơ kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ bị "tuồn" ra ngoài. 

Ông Quỳnh nhận định, bản kê khai tài sản này là tài liệu tối mật nên nó được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác thì cho rằng, tài sản ông Huỳnh Đức Thơ không phải bí mật quốc gia, nên cần không khai cho dư luận được biết và giám sát khi có phản ánh của báo chí.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Tài sản quan chức không phải bí mật quốc gia

Tài sản của quan chức đã công khai để giám sát không thể gọi là bí mật quốc gia, nhưng việc công khai thì có quy trình, quy định.

Việc Đà Nẵng sẽ tìm hiểu vì sao hồ sơ kê khai tài sản của Chủ tịch thành phố "lộ" ra ngoài là quyền của họ.

Việc tìm hiểu ai làm lộ, lọt tài liệu ra ngoài và chuyện cán bộ có tài sản lớn theo phản ánh của dư luận là hai chuyện khác nhau, cần phân biệt rõ.

Tuy nhiên, để người dân có thể giám sát chặt chẽ hơn tài sản cán bộ cần công khai nó tại nơi cư trú.

Hiện tại, việc công khai tài sản của quan chức ở nơi cư trú đang còn cân nhắc, vẫn chưa thống nhất được.

​Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Ủy ban Pháp luật Quốc hội): Công khai mà không được xem thì công khai làm gì?

Tài sản của cá nhân là quyền nhân thân của họ được pháp luật bảo vệ quy định trong luật dân sự, nhưng nó (tài sản) không phải bí mật quốc gia. 

Luật phòng chống tham nhũng, luật công chức, viên chức cũng quy định rõ những đối tượng công khai, kê khai tài sản...

Nhưng khi cán bộ đã kê khai, công khai tài sản theo quy định, thì báo chí và người dân hoàn toàn được quyền tiếp cận, giám sát.

Bây giờ nói là công khai tài sản, nhưng lại nói đó là bí mật, không ai được xem thì công khai làm gì?

Thực tế nhiều cơ quan người ta vẫn đóng "dấu mật" về tài sản quan chức, không cung cấp cho dư luận.

Trách nhiệm của cán bộ phải kê khai tài sản và cơ quan có thẩm quyền phải công bố bản kê khai đó trong thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.

Còn việc công khai bằng hình thức nào, con đường nào,

để đảm bảo quyền lợi cá nhân, quyền bí mật đời tư lại là chuyện cần phải tính đến.

Nhưng theo tôi, đã là công chức nhà nước thì phải chấp nhận điều đó. Nếu anh không phải cán bộ thì người ta không đụng được vào tài sản của anh được, trừ trường hợp anh vi phạm pháp luật.

Tất nhiên việc kê khai tài sản của chúng ta vẫn còn mang tính hình thức.

Việc sửa luật cần phải tính toán vấn đề kiểm tra, giám sát, minh bạch tài sản, tránh tình trạng kê khai xong để đó.  

Trường hợp dư luận phát hiện anh có nhiều tài sản nhưng không kê khai đầy đủ, hoặc trốn thuế thì cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc kiểm tra.

Khi đó tài sản của anh không còn là "bí mật" cá nhân nữa.

Ví dụ, đối với trường hợp ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, khi dư luận phát hiện khối tài sản lớn thì cơ quan có thẩm quyền nên vào cuộc kiểm tra xem thông tin đó có đúng hay không?

Việc này làm rõ sở hữu tài sản cán bộ và công bố cho nhân dân biết nhằm bảo vệ uy tín cán bộ trong trường hợp phản ánh đó không có cơ sở.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, họ kiểm soát thu nhập cán bộ, quan chức thông qua nộp thuế.

Nếu phát hiện cán bộ vi phạm pháp luật (trốn thuế) thì người ta sẽ thanh tra, kiểm tra. Thậm chí nếu có vi phạm người ta sẽ truy tố.

Ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XIII): Dư luận lên tiếng, cơ quan có thẩm quyền nên kiểm tra

Tài sản của quan chức không phải bí mật quốc gia, hay một thứ gì đó tuyệt mật, nhưng được công khai ở thời điểm nào? vị trí nào, hình thức nào?

Nếu công khai theo hình thức khác quy định là không đúng.

Nhưng nếu dư luận đã lên tiếng về khối tài sản quan chức sở hữu thì cơ quan có thẩm quyền nên vào cuộc xác minh và công bố cho dư luận, nhân dân được biết ai đúng, ai sai?

Đặc biệt, đối tượng được công khai thông tin đã thừa nhận đó là tài sản cuả mình kê khai trong hồ sơ cán bộ thì đã rõ ràng rồi.

Thực tế tài sản quan chức không phải là bí mật quốc gia, nhưng nếu kê khai, công khai tài sản như hiện nay, người dân rất khó giám sát được cán bộ có bao nhiêu tài sản và sự biến động tài sản đó ra sao?

Bên cạnh việc công khai tài sản của cán bộ đương chức việc kê khai tài sản phải áp dụng cả với vợ, con, người thân ruột thịt của cán bộ đương chức.

Hiện tại, luật chưa có quy định công khai tài sản ở nơi cư trú... Vấn đề này cần phải xem xét, để cụ thể hóa trong luật phòng chống tham nhũng.
***

Điều 44 và Điều 46a Luật Phòng chống tham nhũng quy định:

Bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm.

Trong trường hợp niêm yết, thì thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục. Luật cũng bổ sung quy định bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó; bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

Điều 13 Nghị định số 78/2013/NĐ-CP bổ sung quy định về công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai bằng một trong hai hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trường hợp niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức đơn vị thì thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục.

Vị trí niêm yết phải đảm bảo an toàn, đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem...​