Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Tham nhũng chính sách

Đức Hoàng

VNExp - Diễn đàn kinh tế thế giới Davos là nơi hội tụ của các nhà lãnh đạo, tài phiệt và nhà hoạt động xã hội lừng lẫy.

Nhưng Davos năm nay còn có sự xuất hiện của một người Việt Nam rất nghèo. Một sự xuất hiện không chính thức: hình ảnh của cô được tổ chức Oxfam sử dụng để thực hiện chiến dịch đấu tranh chống bất bình đẳng tại Diễn đàn.

Khi các chuyên gia của Oxfam - một trong những tổ chức chống đói nghèo lớn nhất thế giới - đến Việt Nam và hỏi tôi về một nhân vật tiêu biểu cho khoảng cách giàu nghèo tại nước ta, tôi chỉ cho họ chỗ của Oanh. Cô là một thành viên của xóm chạy thận mà năm ngoái tôi đã nhắc đến trong bài “Ý nghĩa một cành đào”.

Oanh đã chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai được hơn 10 năm. Trong đoạn phim mà Oxfam tung ra bên lề Davos, bạn sẽ nhìn thấy những hình ảnh cực đoan của cái nghèo. Mẹ Oanh khóc, kể về việc phải bán đi từng chiếc giường trong nhà để chữa bệnh cho con. Trong một cảnh khác, Oanh “cải trang” như một ninja, che kín mặt và cơ thể, để đột nhập vào bệnh viện bán nước trà rong. Bán rong là trái nội quy bệnh viện. Nhưng với bệnh tật trong mình, đấy là cách duy nhất cô nghĩ ra để kiếm sống. Gia tài của cô gái này có một bình trà đặc bằng plastic: cô không dám dùng cả ấm bằng sứ để đi bán nước, vì bảo vệ bệnh viện sẽ đập vỡ nếu họ bắt được.

Đoạn phim đó sau này được Oxfam phát đi khắp nơi, như một chân dung tiêu biểu của cái nghèo trên toàn cầu.

Thông điệp mà các nhà hoạt động quốc tế đưa ra, khi tung hình ảnh của Oanh ra toàn thế giới, là về sự bất bình đẳng giàu nghèo trên toàn thế giới. “Hãy xây dựng một nền kinh tế phụng sự tất cả mọi người” - thông điệp viết.

Và một trong những “đòi hỏi” mà hình ảnh của Oanh đưa ra, là việc người giàu không sử dụng quyền lực kinh tế của mình để giành lấy những ưu đãi về chính sách.

Ở nước ta, khái niệm này vẫn hay được gọi dưới tên “lợi ích nhóm”. Gần đây, nó được thay thế bằng một khái niệm cụ thể hơn, là “tham nhũng chính sách”. Đó là khi những người có quyền lực (chủ yếu là tiền) sử dụng nó để điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi cho họ trong tương lai. Tất nhiên, quá trình “điều chỉnh” này đồng thời tước đoạt lợi ích của những người yếu thế hơn. Người giàu giàu hơn và người nghèo nghèo đi.

Vấn đề không phải chưa được nhận thức. Nó đã được nhắc tới nhiều lần trong các diễn đàn Quốc hội, hay bởi những lãnh đạo chính phủ.

Tham nhũng chính sách là một loại hình tham nhũng đặc biệt: nó không mang tính cơ hội; mà tạo ra một hành lang thênh thang cho những kẻ trục lợi đi trong 5 năm, 10 năm hay lâu hơn thế. Nó có thể là một dự án BT, BOT hay BTO, một cuộc đổi đất lấy hạ tầng đáng nghi ngờ. Nó có thể là một cuộc bán đấu giá tài sản nhà nước bị chi phối. Nhưng nó cũng có thể là một ưu đãi nhỏ - nhưng mang tính hệ thống mà nếu không phát hiện sẽ giúp cho sự bất bình đẳng kéo dài vĩnh viễn. 

Oanh - người mưu sinh bằng việc bán nước chui - nói với đạo diễn, rằng cô đồng ý xuất hiện, vì muốn nói lên một tiếng nói, thay cho những người nghèo khác trên đất nước này (và vô tình, là nhiều người trên thế giới). Nhưng tất nhiên, những người như Oanh không thể trở thành chủ thể trong cuộc đấu tranh chống “tham nhũng chính sách”.

Đó cũng không chỉ là công việc của các nhà lập pháp. Trách nhiệm giám sát thuộc về toàn dân. Những người có điện thoại thông minh, Internet và óc suy đoán.

Hệ quả của tham nhũng chính sách cực lớn, nhưng bởi vì gây hậu quả trên quy mô lớn, nên nó có một “nhược điểm”. Đấy là phần lớn kết quả của hoạt động này được công khai: những dự thảo luật, những đề án, dự án lớn. Khác với những cuộc tham nhũng thông thường, ẩn giấu sau lớp bê tông cốt tre, những vali được đưa tại nhà riêng hay là các hợp đồng tuyển dụng... tham nhũng chính sách có thể được ngăn chặn từ đầu.

Biểu hiện của nó có thể đang xuất hiện ở một dự án bạn đi qua hàng ngày, hay là trong một loại thuế phí nào đó bạn cảm thấy hoài nghi.

“Tham nhũng chính sách” và cách ta đối mặt với nó có thể là từ khóa quyết định tương lai.