(TBKTSG Online) - Vậy là thông tin người Trung Quốc qua khu vực biên giới tỉnh Hà Giang bắt cóc người lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt…) gây hoang mang dư luận phát ra từ công an Lào Cai chỉ là tin đồn thất thiệt.
Hôm nay, 11-8, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an, khẳng định thông tin bắt cóc lấy nội tạng tại Hà Giang là bịa đặt. Báo Tiền Phong dẫn lời ông Tiến, nói: “Công an Hà Giang và công an Lào Cai đã có thông tin về sự việc trên là không chính xác và chưa từng xảy ra vụ việc nào như vậy. Cục Cảnh sát hình sự cũng phản hồi về thông tin này là hoàn toàn bịa đặt và không có thật".
Cũng theo báo Tiền Phong, nguyên nhân dẫn đến thông tin không chính xác, gây hoang mang cho người dân cả nước là do công an Lào Cai “sơ suất trong khâu soạn thảo văn bản”.
Mấy hôm nay trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp lại văn bản có nội dung thông báo của Công an huyện Si Ma Cai, Lào Cai như sau:
“Ngày 27/7/2016, Công an huyện Si Ma Cai nhận được công văn số 1177/CAT-PV11 của Công an tỉnh Lào Cai thông báo: Tại địa phận giáp ranh Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt...).
"Qua xác minh, nắm được các đối tượng là người Trung Quốc, tổ chức thành từng nhóm từ 3 đến 5 đối tượng, sử dụng xe ô tô (không có biển kiểm soát), đối tượng tập trung vào những gia đình có người già, trẻ em ở, học sinh các trường tổ chức đi học ngoại khóa, trẻ em đi chăn thả gia súc, làm nương rẫy một mình... Các đối tượng bắt cóc đưa lên ô tô, đến khu vực vắng rồi mổ lấy nội tạng.
"Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả loại tội phạm này, lãnh đạo công an huyện yêu cầu công an các xã, các trường học trên địa bàn huyện thông báo đến toàn thể nhân dân và học sinh các phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, tuyên truyền cho mọi người khi đi đến gần khu vực biên giới không nên đi một mình mà đi theo nhóm 3 người đến 5 người để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn có các hành vi hoạt động như đã nêu ở trên, báo cáo kịp thời về công an huyện để phối hợp bắt giữ đối tượng”.
Thông báo của công an huyện Si Ma Cai khiến cộng đồng mạng cũng như người dân trong nước, nhất là khu vực biên giới giáp với Trung Quốc, hoang mang. Nhiều người không khỏi bàng hoàng khi lãnh đạo công an huyện Si Ma Cai này xác nhận văn bản nói trên là thật.
Tuy nhiên, khi báo chí đăng tải nội dung của văn bản nói trên thì công an Hà Giang nói rằng thông tin “Tại địa phận giáp ranh Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt...)” là hoàn toàn sai, và không biết công an Lào Cai lấy nguồn từ đâu!?
Bộ Công an vào cuộc “xác minh” và khẳng định thông tin bịa đặt.
Thiết nghĩ, một thông tin bịa đặt có mức độc tác động xấu đến xã hội “to lớn” như thế lại xuất phát từ cơ quan công an quả là quá đáng lo. Bởi vì, tin đồn rất khác với tin phát ra từ cơ quan công quyền, đặc biệt là phát ra từ công an. Nếu công an nghe tin đồn mà không xác thực, rồi phát ra thông báo để người dân cảnh giác, thì khi có mối đe dọa thật, cảnh báo sẽ không còn ai tin. Khi đó, hậu quả xảy ra sẽ là tai họa.