Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Có thể chấm dứt hoạt động của dự án Formosa!

Thanh Ngọc

Petrotimes - Nếu không thể khắc phục điều kiện ngừng hoạt động thì cơ quan quản lý có thẩm quyền có thể quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Thời gian qua, những vấn đề xoay quanh dự án Formosa Hà Tĩnh luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Và bên cạnh các vấn đề như chất thải, xử lý chất thải của Formosa thì câu chuyện Formosa được cấp phép tới 70 năm có đúng hay không, nếu không đúng thì có thu hồi hay hay hồi tố hay không đã được nhiều người đặt ra.

Trả lời câu hỏi này, tại buôi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, việc UBND Hà Tĩnh, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép đầu tư với thời hạn 70 năm cùng là sai thẩm quyền. Và theo Bộ trưởng Hà, với dự án Formosa thì việc cấp phép này là do Chính phủ quyết định.

“Theo Luật Đất đai năm 2003 cũng như Luật Đất đai năm 2013, việc cho thuê đất đối với các nhà đầu tư mà theo các tiêu chí như khu vực khó khăn để đầu tư… thì Hà Tĩnh được coi là khu vực thuộc tiêu chí được xem xét ưu tiên. Như vậy, theo cả Luật Đất đai 2003 và 2013 thì thẩm quyền cho thuê đất đối với UBND tỉnh, thành phố là được 70 năm. Nhưng với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài theo Luật Đầu tư 2014 thì thẩm quyền của UBND tỉnh cho phép thuê được 50 năm, còn trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, báo cáo Chính phủ để xem xét trên các góc độ...” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Về việc có thu hồi hay hồi tố các quyết định ở Formosa hay không, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho hay: Theo các luật hiện hành, nhất là Luật Đất đai, việc cho thuê đất có thể kéo dài đến 70 năm. Tuy nhiên, việc cho phép thời gian hoạt động của dự án vẫn theo Luật Đầu tư. Trong Luật Đầu tư hiện hành (năm 2014), tại Điều 47 đã quy định về việc ngừng, tạm ngừng hoạt động của các dự án đầu tư, có 5 trường hợp sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tạm ngừng hoạt động của dự án, trong đó có 1 trường hợp là để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước về quản lý môi trường.

Còn theo Điều 48 Luật Đầu tư quy định về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư thì dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động nếu nhà đầu tư không thể khắc phục điều kiện ngừng hoạt động thì cơ quan quản lý đầu tư có thẩm quyền có thể quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

“Như vậy có nghĩa, đầu tiên là phải tạm ngừng và yêu cầu khắc phục vi phạm môi trường nhưng nếu không thể khắc phục được thì theo quy định của pháp luật, sẽ bị ngừng hoạt động” – Thứ trưởng Đào Quang Thu nhấn mạnh.